Từ năm 2017 đến nay đã có 11 mô hình khởi nghiệp thành công. Từ những mô hình khởi nghiệp thành công, các chị em không chỉ thể hiện được bản lĩnh, vai trò của phụ nữ ngày nay mà còn đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khẳng định vai trò của phụ nữ
Những năm gần đây, tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương nổi bật có một số mô hình khởi nghiệp thành công của chị em phụ nữ, như: Mô hình nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh của chị Phan Thị Mỹ Trang, chị Đỗ Thị Đang và Lương Thị Nhị (ấp 2, xã Tân Hiệp) với quy mô 10.000 con vịt, lãi hàng tỷ đồng mỗi năm; mô hình trang trại gà gia công của chị Mai Hoàng Oanh Chi (ấp Nước Vàng, xã An Bình). Trang trại có quy mô xuất chuồng 240.000 con gà thương phẩm/năm. Trung bình mỗi tháng trang trại có doanh thu khoảng 60 triệu đồng. Mô hình siêu thị mini của chị Trần Thị Thanh Hà (xã Vĩnh Hòa). Mô hình đan móc len của chị Lôi Bảo Trân ở xã Tân Hiệp… Tất cả đã tạo nên phong trào khởi nghiệp sôi nổi tại huyện Phú Giáo.
Chị Mai Hoàng Oanh Chi cho biết: “Khi phụ nữ khởi nghiệp thành công thì có thể thấy vai trò của chị em được thể hiện rõ hơn, phụ nữ không chỉ lo chuyện bếp núc mà còn ra xã hội, được giao lưu, học tập, được tham gia công tác xã hội ở địa phương. Tôi thấy đó chính là hạnh phúc”.
Thông qua các mô hình khởi nghiệp, chị em phụ nữ không chỉ khẳng định chính mình mà còn thể hiện vai trò của phụ nữ ngày nay trong việc cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Bà Hồ Diễm Sang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Giáo, cho biết: “Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939), trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Phú Giáo đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch số 109/UBND ngày 16-5-2018 về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn huyện. Theo đó, hội đã tiến hành khảo sát 550 chị em tại địa phương về nhu cầu khởi nghiệp thì có đến 275 chị có nhu cầu nguồn vốn để mở rộng sản xuất, 127 chị có ý tưởng kinh doanh nhỏ lẻ, 148 chị có ý tưởng kinh doanh vừa.
Sự hỗ trợ kịp thời
Trên cơ sở khảo sát, Hội LHPN huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương hướng dẫn cho hội cơ sở nghiên cứu lập kế hoạch xây dựng chương trình hỗ trợ, giúp đỡ có thêm nguồn vốn từ các ngân hàng và các ban, ngành hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho 6 chị vay phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn với số tiền 600 triệu đồng. Song song đó, hội còn vận động hỗ trợ giúp phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với chủ đề của năm. Hội LHPN huyện Phú Giáo phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện ủy thác cho vay, hiện tổng dư nợ do Hội LHPN huyện Phú Giáo quản lý là 51 tỷ 468 triệu đồng cho 67 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.230 chị vay… Hội cũng đã tổ chức kết nối thị trường với Công ty NOSA Việt tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, tạo nguồn lực phát triển trong sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện. Với những kết quả, thành tích đạt được, tập thể Hội LHPN huyện Phú Giáo được các ngành đánh giá cao trong việc triển khai thực hiện Đề án 939.
Để nâng cao kiến thức, tiếp thêm động lực, kinh nghiệm cho các chị em phụ nữ tham gia phong trào khởi nghiệp, hàng năm, Hội LHPN huyện Phú Giáo còn tổ chức các chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như: Hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”. Tính đến tháng 7/2020 đã có 24 ý tưởng được nộp về cho Hội LHPN tỉnh. Song song đó, Hội LHPN huyện đã hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể, đã thành lập 2 hợp tác xã trên địa bàn xã Tân Hiệp, An Long với 18 thành viên, 11 tổ hợp tác có 32 thành viên đã giải quyết việc làm cho 62 chị, thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn