Người thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nông nghiệp

An Khê - Ảnh: NVCC
08/06/2021 - 13:30
Người thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nông nghiệp

Hà Thúy Diện đã quyết tâm bỏ phố về rừng để khởi nghiệp với du lịch nông nghiệp

Kinh doanh homestay và phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, chị Hà Thúy Diện (sinh năm 1985) đã thành công thổi luồng gió mới trên vùng đất cao nguyên tươi đẹp này.

Quyết tâm bỏ phố về rừng

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao Hà Giang, Hà Thúy Diện đã rời mảnh đất quê hương theo học tại Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thúy Diện đã ở lại mảnh đất hoa lệ Sài Gòn để tự lập. Sau đó chị rời xa quê hương đến Malina (Phillippines) để theo đuổi công việc mà mình yêu thích. Vài năm sau, khi đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý giá sau nhiều trải nghiệm, Thúy Diện quay về Sài Gòn tiếp tục công tác.

Người thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nông nghiệp - Ảnh 1.

Sau nhiều ngày suy tính, Hà Thúy Diện quyết định mở dịch vụ lưu trú, picnic rừng, cung cấp ẩm thực sạch của địa phương

Bước ngoặt đến với cuộc đời Thúy Diện khi vào năm 2016, bố chị bị tai biến với di chứng liệt nửa người, chị bỏ phố về rừng chăm sóc khu vườn nhà của bố mẹ để lại và bắt đầu làm homestay tại thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Chính mảnh đất này là nơi cách đây hơn 20 năm về trước, bố mẹ của chị đã cất công khai hoang và làm nên khu vườn rộng với nhà sàn, vườn cây, ao cá...

Làm sao để phát triển mảnh đất tâm huyết của cha mẹ, làm cho mảnh đất này sinh sôi, đó là điều mà Thúy Diện trăn trở ngày đêm. Khi đã bỏ phố về rừng, nghĩa là chị đã quyết tâm gây dựng một nơi đáng sống, mang lại đầy đủ giá trị cho bản thân, gia đình, cũng như cho vùng đất Đa Quyn này. Sau nhiều ngày suy tính, Thúy Diện quyết định mở dịch vụ lưu trú, picnic rừng, cung cấp ẩm thực sạch của địa phương. Từ đó, trên vùng đất cao nguyên tươi đẹp này, cái tên Sàn Homestay ra đời.

Người thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nông nghiệp - Ảnh 2.

Khởi nghiệp ở một nơi còn thiếu điều kiện, nhưng Hà Thúy Diện đã dần vượt qua thách thức đó và thành công với du lịch nông nghiệp

"Đa Quyn là xã hẻm cụt và nghèo, sâu, xa nhất của huyện Đức Trọng, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tây Nguyên sinh sống. Ưu điểm của vùng đất này là có nhiều rừng thông, đồi núi đẹp, trùng điệp, dân cư thưa thớt. Nơi đây cũng gần cung đường thám hiểm nổi tiếng Tà Năng - Phan Dũng. Khi bắt đầu, khó khăn nhất đối với tôi là quảng bá để khách biết tới một địa danh hoàn toàn mới trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vì lúc đó ngay cả một số người sống ở trong huyện Đức Trọng cũng chưa biết đến tên xã Đa Quyn", chị Diện chia sẻ.

Ngoài ra còn nhiều khó khăn khác mà chị phải cân nhắc, đó là việc chị chưa có chút kinh nghiệm nào về ngành du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng, cũng không rành các thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, khu vực còn chưa có phương tiện giao thông thuận tiện đưa khách thẳng từ thành phố vào tới homestay. Mỗi lần có khách chị phải chạy xe máy 30km đường gồ ghề, nhỏ, vòng vèo và nhiều ổ gà để đón khách. Khách đến du lịch ban đầu rất ít khiến chị không thể hoạch định và cân bằng tài chính khi phát triển dịch vụ.

Thành công vượt qua thử thách

Người thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nông nghiệp - Ảnh 3.

Sàn Homestay - Nơi lưu trú của khách du lịch

Từ những khó khăn ấy, chị bắt đầu với suy nghĩ: mở tour để đón khách Sài Gòn, khách Tây vào du lịch trải nghiệm vùng sâu theo đúng nghĩa bản địa. Nghỉ ngơi 2 ngày cuối tuần "trốn phố". Khách muốn trú ẩn vài tuần tại nông trại với đồ sạch, không khí trong lành, mát mẻ. Đón khách đi phượt Tà Năng - Phan Dũng ghé nghỉ ngơi trước khi đi thám hiểm.

Chị cũng nghiệm ra rằng, làm gì cũng khó, nếu dễ thì đã không tới lượt mình. Mà khó thì mình có thêm trải nghiệm. Chính vì thế, chị bước vào thực hiện ý tưởng của mình một cách nhẹ nhàng coi như đó là một thử thách đối với bản thân.

Người thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nông nghiệp - Ảnh 5.

Sàn Homestay nhìn từ trên cao

"Tôi cố gắng viết bài giới thiệu Sàn Homestay trên các group du lịch facebook, đặt địa điểm trên google maps, kết nối bạn bè khắp nơi để giới thiệu dịch vụ. May mắn Sàn Homestay được nhiều bạn trẻ biết đến và tới trải nghiệm, có nhiều cảm xúc thích thú về nơi đây nên các bạn chia sẻ, rủ thêm nhiều người khác tới", chị Diện cho biết.

Khách du lịch đến với Sàn Homestay rất thích các món rau củ quả sạch ở địa phương, ăn rồi lại mua về làm quà. Không chỉ phát triển về điểm đến lưu trú, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, chị  Thúy Diện còn tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp như cafe trái chín rang xay, bột dầu gội thảo dược, muối thảo dược ngâm chân, mật ong, mật mía, macca... Du khách sau khi đến mua về dung thấy yêu thích liền đặt mua online nhiều hơn.

Những sản phẩm du lịch nông nghiệp mà Sàn Homestay cung cấp cho du khách đều nguyên chất 100% tự nhiên, tốt cho sức khoẻ người dùng. Giá trị mà sản phẩm mang lại cho người sử dụng chính là sức khoẻ tinh thần và thể chất. Sau mỗi chuyến đi ở Sàn Homestay, du khách được nạp thêm năng lượng xanh và sạch để tinh thần thoải mái sau kỳ du ngoạn.

Người thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nông nghiệp - Ảnh 6.

Khách du lịch của Sàn Homestay

Đúng như chị Diện mong muốn, sau một thời gian hoạt động, Sàn Homestay thực sự là điểm hẹn để những bạn trẻ, du khách dừng chân trước khi trải nghiệm cảnh đẹp hùng vĩ của núi non. Sàn Homestay đã tiếp đón du khách với sự ấm áp như người thân, cung cấp những bữa ăn rau củ quả tươi sạch ngay tại vườn nhà, và đặc biệt là khiến mỗi người đến đây đều không có cảm giác bản thân là khách, mà cảm giác thân thuộc gần gũi tình người.

"Tôi muốn khách hàng cảm thấy có được nhiều cảm xúc dễ chịu nhất có thể, được trải nghiệm sự bình yên vùng quê và hít thở bầu không khí rừng, muốn những em nhỏ được về quê, được gần gũi thiên nhiên, được trải nghiệm cuộc sống nông dân", chị Diện chia sẻ.

Khởi nghiệp từ trong gian khó, chị Hà Thúy Diện đã thành công trên con đường thực hiện khát vọng của mình, làm giàu cho bản thân và cho quê hương. Ngoài doanh thu hơn 800 triệu đồng/năm bởi các dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp mang lại, Sàn còn là nơi tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, giúp bà con có thêm thu nhập ổn định.

Chị Hà Thúy Diện – Chủ Sàn Homestay;

Địa chỉ: thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng;

Điện thoại: 097 2227702;

Email: sanhomestay34@gmail.com;

Facebook: Sàn Homestay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm