Bộ phận này trên cơ thể to ra thì coi chừng mỡ nội tạng và nguy cơ mắc 7 bệnh

06:45 | 15/06/2022;
Nhiều người thích "ngực to, mông nở" nhưng có những bộ phận ngược lại nếu càng to thì càng có vấn đề, cảnh báo sức khỏe cần chú ý.

Gần đây, một nghiên cứu liên quan đến 1.421 người dân Thượng Hải, Trung Quốc xác nhận rằng độ dày của cổ có tỉ lệ thuận với việc tăng mỡ nội tạng, đặc biệt là có "liên quan" đến nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm.

Tờ Life Times kết hợp nghiên cứu này và phỏng vấn Trương Hải Chừng, bác sĩ Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện nhân dân Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) để làm rõ mối quan hệ giữa chu vi của vòng cổ và sức khỏe của mỗi người.

Cổ dày chứng tỏ nội tạng đang bị nhiễm mỡ

Cổ dày lên cảnh báo mỡ nội tạng tăng lên. (Ảnh minh họa)

Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhân dân số 6 trực thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) đã mời 1.421 người dân Thượng Hải từ 24 đến 80 tuổi (độ tuổi trung bình là 57,8) tham gia cuộc nghiên cứu.

Sau khi lưu ý tới các yếu tố như tuổi tác, giới tính, chỉ số khối cơ thể, tình trạng hút thuốc và uống rượu, với thời gian theo dõi trung bình là 2,1 năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người tăng chu vi cổ hơn 5% thì mô mỡ nội tạng cũng cao hơn 26% so với những người ít thay đổi về chu vi cổ.

Trong số những người không bị béo bụng, sau khi điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu, cứ tăng 5% chu vi vòng cổ thì nguy cơ béo bụng cũng tăng 36%.

Các nhà nghiên cứu nói rằng cổ dày hơn có nghĩa là nhiều mỡ dưới da hơn, điều này cũng phản ánh sự tích tụ nhiều chất béo hơn ở phần trên của cơ thể, làm tăng nguy cơ sức khỏe.

Cổ dày làm tăng nguy cơ mắc 7 bệnh

1. Bệnh tim mạch

Theo một nghiên cứu được trình bày tại Đại hội Hiệp hội Tim mạch Châu Á Thái Bình Dương năm 2019, đo chu vi cổ có thể dự đoán một loạt các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch gây tử vong, thậm chí chính xác và trực quan hơn so với đo vòng eo.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội tiết Lâm sàng và Chuyển hóa Mỹ đã đo chu vi cổ của hơn 3.000 người tham gia và phát hiện cổ càng dày thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

2. Tăng acid uric máu

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Văn học Y học Lâm sàng đã chỉ ra rằng chu vi cổ có giá trị đáng kể trong việc dự đoán tăng axit uric máu. Khi chu vi cổ tăng, nam giới dễ bị tăng axit uric máu hơn phụ nữ.

3. Bệnh tiểu đường

Chu vi vòng cổ tăng cẩn thận với bệnh tiểu đường. (Ảnh minh họa)

Ngay cả khi vòng eo của một người đạt tiêu chuẩn, nếu cổ quá dày, họ sẽ dễ bị một loạt các rối loạn chuyển hóa như tăng lượng đường trong máu và tăng đề kháng insulin.

4. Gan nhiễm mỡ

Một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Sun Yat-Sen cho thấy cả nam và nữ, chu vi cổ trung bình của bệnh nhân gan nhiễm mỡ đều lớn hơn so với người không bị gan nhiễm mỡ.

5. Giảm sức chịu đựng của hệ tim mạch

Vòng cổ tăng và mỡ vùng cổ tăng sẽ làm hẹp đường thở trên, làm giảm sức bền của tim mạch.

6. Bệnh tuyến giáp

Nếu phát hiện thấy cổ dày lên, thành một khối ở phía trước hoặc hai bên, khí quản to dần và kèm theo các triệu chứng như sụt cân, hồi hộp thì nên cảnh giác xem bạn có bị cường giáp hay không.

7. Chứng ngưng thở lúc ngủ

Một nghiên cứu của Đại học Boston (Mỹ) cho thấy chu vi cổ có liên quan trực tiếp đến chứng ngưng thở khi ngủ. Trong chuyên khoa hô hấp, chu vi cổ thường được đo để giúp xác định nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Cách tự kiểm tra chu vi cổ

Giữ cho cơ thể của bạn thẳng đứng và cánh tay buông xuống một cách tự nhiên. Nhờ người khác giúp đo phần mỏng nhất của cổ bằng thước dây, đó là chu vi của cột sống cổ thứ bảy (phần nổi bật nhất của cổ sau khi bạn cúi đầu xuống).

Chu vi cổ của một người bình thường nên là:

- Nam <38cm

- Nữ <35cm

Chu vi vòng cổ nên giới hạn ở nam khoảng 38cm, nữ khoảng 35cm. (Ảnh minh họa)

Cho dù cơ thể bạn có cân nặng vừa phải nhưng nếu chu vi cổ vượt quá 2 con số trên thì nên đặc biệt lưu ý.

Làm thế nào để kiểm soát chu vi cổ?

Những người có cổ dày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường, hãy sớm thực hiện những thay đổi sau đây để giúp tránh tích tụ mỡ:

Thay đổi chế độ ăn uống

Nếu năng lượng ăn vào lớn hơn năng lượng tiêu hao, lượng calo dư thừa sẽ được chuyển hóa thành chất béo, do đó, ăn uống điều độ là bước đầu tiên.

Thay đổi phương pháp nấu ăn. Hạn chế chiên, rán… tăng cường ăn các món luộc, hấp, trộn.

Lên lịch ăn sáng lúc 6:30 tới 8:30, ăn trưa khoảng 11h30-13h30 và bữa tối lúc 18h-19h. Chú ý khi ăn, nên nhai chậm và nhận biết cảm giác no. Nên ăn sáng trong khoảng 15-20 phút, ăn trưa và ăn tối trong khoảng nửa giờ.

Nên ăn nhiều thức ăn giúp no lâu và ít calo, chẳng hạn thực phẩm giàu chất xơ như rau, nấm, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…

Chọn các loại thịt trắng như cá, tôm và thịt gà hoặc thịt nạc đỏ, chúng có ít chất béo và nhiều chất đạm.

Ăn cho đến khi no 70%

Ăn no 70% là cảm giác: bụng không có cảm giác no, nhưng sự nhiệt tình với đồ ăn đã giảm sút, tốc độ ăn uống tích cực cũng chậm lại đáng kể, nhưng vẫn có thể ăn thêm nữa. Lúc này, bạn có thể dừng việc ăn.

Tập một số bài tập nhỏ

Các bài tập như leo cầu thang nơi làm việc, chống đẩy hoặc bài nhảy tại chỗ ở nhà có lợi rất lớn đối với sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy khi bạn duy trì hoạt động suốt cả ngày với các bài tập nhỏ, cơ thể sẽ được tăng cường trao đổi chất, đốt cháy nhiều calo hơn và cải thiện năng suất làm việc.

Cần lưu ý rằng dù vòng cổ hay vòng eo to ra thì cũng chỉ dự đoán nguy cơ mắc bệnh chứ không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh. Khi chu vi cổ càng lớn, hãy chú ý và đề phòng nhiều hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn