Vi quyển (miniature books) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng lại còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Loại sách này có kích thước rất nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Với kích thước này, các chi tiết như bìa gáy, hộp đựng, ghim kẹp, móc khóa… thường phải làm hoàn toàn bằng thủ công và phục thuộc rất nhiều vào tay nghề của các nghệ nhân. Đây là dòng sách luôn được các nhà sưu tập tìm kiếm và sưu tầm.
Mới đây, Phuc Minh Books liên kết với NXB Văn học đã cho ra mắt bộ vi quyển Những người phụ nữ bé nhỏ với phiên bản giới hạn, gồm 100 bộ, mỗi bộ sách là duy nhất được đóng triện son đỏ và đánh số từ 001 đến 100.
Tác phẩm văn học kinh điển Những người phụ nữ bé nhỏ xuất bản lần đầu năm 1868, đã đưa tên tuổi Louisa May Alcott rực sáng trên văn đàn thế giới. Tác phẩm được xem là tiểu thuyết bán tự truyện, được nữ văn sĩ lấy cảm hứng và chất liệu từ cuộc sống thời thơ ấu của chính mình và 3 người chị em của bà.
Hơn 150 năm qua, câu chuyện về chị em nhà March vẫn luôn giữ được sức cuốn hút mãnh liệt, đưa cuốn tiểu thuyết Những người phụ nữ bé nhỏ trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ và thế giới. Trường thiên tiểu thuyết về 4 chị em nhà March đã trở thành biểu tượng cho tinh thần vượt lên trên mọi rào cản mà xã hội áp đặt cho người phụ nữ lúc bấy giờ, là nguồn cổ vũ lớn lao, nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi cô gái dám tự tin khẳng định bản thân.
Bộ vi quyển Những người phụ nữ bé nhỏ gồm 5 cuốn, kích thước 5.5x7.6 cm. Tác phẩm được dịch mới hoàn toàn đầy đủ và được bổ sung: 202 tranh minh họa của Họa sĩ người Mỹ Frank T.Merri; 15 tranh vẽ màu nước do họa sĩ Trần Minh Tâm thực hiện; 5 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Bộ sách được đựng trong hộp 2 ngăn, kèm theo 1 khăn lụa tơ tằm.
Đặc biệt, bìa sách được bồi từ lụa tơ tằm 100% và sử dụng màu hoàn toàn tự nhiên do nghệ nhân Đồng Phước Quang nghiên cứu pha chế từ hạt cà phê, một số loại hoa và lá cây rừng. Hoa văn thủy ấn trên lụa tơ tằm được nghệ nhân thực hiện hoàn toàn thủ công, mỗi cuốn không chỉ là bức tranh nghệ thuật với màu sắc tinh tế mà còn rất chỉn chu trong việc phối màu để số màu tạo hoa vân tương ứng với số tập của từng cuốn sách.
Theo đó, tập 1 hoa văn thủy ấn chỉ có 1 màu vàng. Tập 2 hoa văn thủy ấn gồm 2 màu: vàng – nâu. Tập 3 hoa văn thủy ấn gồm 3 màu: vàng - nâu - đỏ. Tập 4 hoa văn thủy ấn gồm 4 màu: vàng - nâu – đỏ - xanh. Tập 5 hoa văn thủy ấn gồm 5 màu: vàng - nâu - đỏ - xanh – tím.
Mỗi cuốn sách có một màu chủ đạo, cạnh sách được quét từng lớp màu phủ nhũ vàng do họa sĩ Trần Minh Tâm thực hiện, được lấy cảm hứng từ kỹ thuật vẽ tranh sơn mài truyền thống "sơn son thếp vàng", tạo nên màu sắc độc đáo cho từng cuốn sách. Chất liệu catton dùng làm bìa sách được nhập khẩu từ Hà Lan có tên gọi Solid Board đúc nguyên khối, rất nhẹ, thân thiện với môi trường, đặc biệt có thể phục hồi về trạng thái ban đầu sau khi bị dính nước.
Nhà sưu tầm sách Từ Xuân Minh nhận định: Việc lấy số màu hoa văn thủy ấn đánh dấu số tập thay vì viết số hay hoa thị gì đó lên bìa - gáy rất hay vì nhìn thôi đã phân biệt được cuốn nào ra cuốn nấy dù không đánh số tập theo cách thông thường. Việc này chỉ làm thủ công từng bìa mới có thể thực hiện được như vậy.
Để thực hiện bộ vi quyển, chị Nguyễn Thùy Dương – người sáng lập Phuc Minh Books đã tìm họa sĩ Nguyễn Thành Đàm – người đầu tiên ở Việt Nam được cử sang Đức học về dàn trang và làm vi quyển - để học hỏi. Tiếp đó, chị tìm đến 2 nghệ nhân lâu năm nhất làng lụa Vạn Phúc để được tư vấn cách chọn tơ, se tơ để làm sao tấm lụa được bền chắc mà vẫn giữ được độ bóng khi làm bìa sách.
Chia sẻ thêm về chất liệu lụa truyền thống được đưa vào làm sách quý hiếm, chị Nguyễn Thùy Dương cho biết: "Ta làm sách tiêu chuẩn quốc tế mà đưa chất liệu dân gian riêng của dân tộc vào thì còn gì tuyệt vời hơn, vừa đảm bảo sự độc đáo tinh tế vừa tôn vinh giá trị dân tộc. Quan điểm của tôi, không nhất thiết phải sử dụng những chất liệu như da thật, vàng thật thì cuốn sách mới giá trị. Chất liệu độc đáo, nội dung đặc sắc, kỹ thuật gia công tinh xảo sẽ tạo nên giá trị một cuốn sách. Lụa tơ tằm Vạn Phúc dệt thủ công, trường tồn bao đời nay, rất bền, lại khử mùi, tại sao không đưa một chất liệu tuyệt vời như vậy vào làm sách? Tôi thấy tự tin và tự hào hơn với chất liệu truyền thống!".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn