Các cấp Hội đổi mới nội dung, phương thức triển khai, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo mang tính chiều sâu

12:45 | 15/09/2023;
Thực hiện chỉ tiêu “hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo” do Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đề ra, các cấp Hội đã và đang nỗ lực để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững - đại diện Hội LHPN Việt Nam chia sẻ tại sự kiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều vừa diễn ra tại tỉnh Yên Bái.

Giảm nghèo luôn là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ưu tiên hàng đầu. 

"Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế đất nước gắn liền với giảm nghèo bền vững. Hệ thống cơ sơ pháp lý về giảm nghèo được thống nhất đồng bộ, toàn diện, luôn thể hiện rõ bản chất nhân văn của Nhà nước. Các tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo chuyển đổi từ cách xác định đơn chiều (chỉ tính theo thu nhập) sang cách đo lường đa chiều tính theo thu nhập và thiếu hụt 6 dịch vụ xã hội cơ bản: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin.

Cùng với những thay đổi về đo lường, trong thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo như chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo, chính sách hỗ trợ về nhà ở, vệ sinh, nước sạch và nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác như về pháp lý, đất đai, hỗ trợ cho vay vốn…

Nhờ vào những chính sách này, thành tựu về giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay rất ấn tượng, đặc biệt, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020.

Các cấp Hội đổi mới nội dung, phương thức triển khai, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo mang tính chiều sâu  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam - chia sẻ trong sự kiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều tổ chức tại tỉnh Yên Bái.

Nhìn chung, có thể thấy rằng, mặc dù còn nhiều nỗ lực, tình trạng giảm nghèo chưa bền vững còn tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang là một thách thức của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới", bà Nguyễn Thị Kim Dung - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam chia sẻ trong sự kiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều tổ chức tại tỉnh Yên Bái.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo

Bà Nguyễn Thị Kim Dung thông tin thêm: Hội LHPN Việt Nam với vai trò là tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, trong năm 2022, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022- 2027, đã đề ra chỉ tiêu "hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo", khẩn trương thực hiện tiêu chí "Không đói nghèo" trong thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 có 3 sạch" với 5 có là có ngôi nhà an toàn, sinh kế bền vững, sức khỏe, kiến thức, nếp sống văn hóa và tiếp tục thực hiện các đề án: Đề án 939, Đề án 938, Đề án 01, Dự án 8 để thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan tới phụ nữ và trẻ em, nhằm thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và trẻ em trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các cấp Hội đổi mới nội dung, phương thức triển khai, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo mang tính chiều sâu  - Ảnh 2.

Hội LHPN tỉnh Yên Báo có nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ

Để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu và các tiêu chí trên, các cấp Hội đã đổi mới nội dung, phương thức triển khai, mang tính chiều sâu (hỗ trợ có điều kiện) và liên kết với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp... để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tham gia thương mại điện tử, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, năng lực tự học hỏi, tự tiếp cận với các dịch vụ xã hội: dạy nghề, việc làm... phù hợp với tình hình đời sống, sản xuất kinh doanh của hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ mô hình đa dạng hóa sinh kế, các mô hình tổ nhóm tiết kiệm, vay vốn ở cơ sở, phụ nữ khởi nghiệp giúp chị em duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các cấp Hội đổi mới nội dung, phương thức triển khai, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo mang tính chiều sâu  - Ảnh 3.

Sự kiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều là dịp để tuyên truyền về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng xác định rằng phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ trong việc giúp đỡ nhau thoát nghèo là vô cùng quan trọng. Thông qua việc phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động tương thân tương ái vì người nghèo, hội viên, phụ nữ đã vươn lên tự lực, tự cường, phát huy nội lực, không còn trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội mà trở thành những thành phần nòng cốt trong công tác tuyên truyền, trong việc thực hiện các mô hình, các tổ hùn vốn, vay vốn ở các địa phương để cùng giúp nhau thoát nghèo bền vững.

Các cấp Hội đổi mới nội dung, phương thức triển khai, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo mang tính chiều sâu  - Ảnh 4.

Hội viên, phụ nữ được cung cấp thêm thông tin, kiến thức về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước

Trong đó, sự kiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều được thể hiện thông qua hình thức sân khấu hóa, tọa đàm về tạo dựng sinh kế bền vững, cũng là dịp để hội viên, phụ nữ và nhân dân được cung cấp thêm thông tin, kiến thức về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Từ đó lan tỏa thông điệp: Công tác giảm nghèo đa chiều là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết, với tư cách là một công dân, một hội viên, phụ nữ, mỗi người cần phải phát huy tính tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tìm kiếm các cơ hội thoát nghèo, xây dựng kinh tế bền vững tại địa phương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn