Chính trị - Xã hội

Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Trần Lê - Tuấn Dũng 03/01/2023 - 09:48 AM
Trong 20 năm qua, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết: Với chủ trương của Đảng "Phải trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, hình thành Quỹ xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương trên cơ sở giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xoá đói, giảm nghèo", ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 78. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. 

Kể từ đó tới nay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong cả nước. 

Tiếp đó, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng đối với tín dụng chính sách cũng như thể hiện tính ưu việt của hoạt động này.

Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau” - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78). Đồng chí Lê Minh Khái (giữa) - Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị (vị trí giữa). Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên TƯ Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH (bìa trái); đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH.

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 78, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: 20 năm qua, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của đất nước. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là "cánh tay nối dài", cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Tín dụng chính sách là chủ trương đúng đắn; giải pháp sáng tạo của Việt Nam khi huy động nguồn lực của xã hội, kết nối được cả hệ thống chính trị vào công cuộc giảm nghèo. 

"Tôi đặc biệt biểu dương NHCSXH trong việc đưa chính sách thâm nhập sâu rộng, có kết quả vào cuộc sống. Tôi cũng đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 của Chính phủ trong suốt 20 năm qua", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đến hết tháng 11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn