Hội nghị thường niên về giáo dục "bản hòa ca trí tuệ" (Symphony of the mind) với chủ đề "Sáng tạo là kỷ nguyên tiếp theo của trí tuệ" đã lan tỏa cảm hứng giáo dục sáng tạo cho hàng nghìn phụ huynh và những cá nhân. Sự kiện có sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực như tâm lý học, giáo dục, kinh doanh và nghệ thuật cùng thảo luận về triết lý giáo dục tiến bộ trong kỷ nguyên mới.
Xoay quanh chủ đề định hướng giáo dục sáng tạo cho tương lai, Giáo sư Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam) và Giáo sư Ngô Bảo Châu (Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tại Việt Nam) cùng các khách mời khác đã trả lời trực tiếp cho câu hỏi: Năng lực sáng tạo có thể thúc đẩy hiệu quả học tập của người học như thế nào?
Giáo sư Trần Thanh Vân cho rằng, dù ở thời đại nào, bộ óc con người cũng cần nuôi dưỡng năng lực trí tuệ của mình. Nó không chỉ giúp mỗi cá nhân học tập mà còn giúp các em phát triển tâm hồn, biết yêu cái đẹp và cuộc sống. Hai năng lực đó song hành trong quá trình phát triển và khám phá thế giới. Chính vì vậy, một bộ não có năng lực là bộ não biết sáng tạo, là nơi hội tụ của trí và tâm. Theo giáo sự Trần Thanh Vân: "Một môi trường giáo dục phải giúp trẻ em phát triển toàn diện, không phân biệt não trái hay não phải. Đó sự tổng hòa của khối óc, để trí tưởng tượng bay bổng, trí sáng tạo được phát huy."
Trong khi đó, đứng ở góc độ người dạy học, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đề cao vai trò của sáng tạo. Theo ông, sáng tạo là phải tạo ra được cái mới, một điều gì đó đẹp đẽ cho thế giới này. "Sáng tạo là nhìn những gì người khác nhìn thấy, nhưng nghĩ những gì người khác chưa từng nghĩ".
Chính sáng tạo sẽ khiến cho việc dạy và học trở nên hiệu quả. "Người thầy thực thụ không phải là những người chỉ đọc thuộc lòng một quyển sách. Cũng là nội dung đó, nhưng sẽ luôn luôn có phần nào sáng tạo trong đó".
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ, cha mẹ nên hỗ trợ trẻ hình thành tư duy tích cực về học tập. Theo ông, việc học không phải là việc nạp những kiến thức sáo mòn đã cũ, việc học là sống. Việc học phải giúp cho trẻ trở thành người tự chủ và hạnh phúc. Trong hành trình cuộc đời, con trẻ thông qua việc học, trở thành những người độc lập, biết sống cuộc sống của mình, làm chủ cuộc sống của mình, hạnh phúc trong cuộc sống của mình và có khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp của cuộc sống, của nghệ thuật, biết vui, biết sống chan hòa, đem lại những niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Không chỉ là động lực phát triển năng lực học tập, sáng tạo cũng là nhân tố nuôi dưỡng sự thông minh cảm xúc.
Chia sẻ về chủ đề này, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho biết, giáo dục toàn diện không chỉ giúp trẻ có năng lực học tập mà phải phát triển tâm hồn, cảm xúc. Việc liên tục rèn luyện sự sáng tạo là chất xúc tác qua lại giữa IQ và EQ, có thể tăng sự trực cảm, nhạy cảm của một đứa trẻ, giúp các em nuôi dưỡng tình yêu thương.
Điều đó có thể được phát triển thông qua các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, diễn xuất. "Phải khuyến khích trí tưởng tượng của con trẻ" - nhà ngoại giao cho biết. Bà cũng khuyến khích việc cha mẹ và nhà trường tạo môi trường cởi mở để trẻ được đặt câu hỏi. "Tôi thường nói với thanh niên là trả lời có thể khó nhưng đặt câu hỏi có khi còn khó hơn. Các bạn chỉ cần tiếp cận nhiều chiều, phải làm cái điều mà người ta gọi là "Thinking out of the boxes" - thoát ra khỏi những cái khuôn sáo có sẵn".
Nữ đạo diễn Kathy Uyên - người tham gia sâu vào việc đào tạo năng lực diễn xuất - cũng đồng ý với quan điểm này. Theo chị, cảm xúc là phần quan trọng bậc nhất giúp các cá nhân có được tương tác xã hội hiệu quả, từ đó, phát triển năng lực EQ. Sáng tạo cũng giữ vai trò then chốt trong việc phát triển EQ, khi giúp mỗi cá nhân "sống nhiều cuộc đời", có được sự thấu cảm, trắc ẩn, nhạy cảm, từ đó, kết nối với bản thân và thế giới hiệu quả.
"Chúng ta phải coi sáng tạo là định hướng xuyên suốt của nền giáo dục trong thế kỷ XXI. Vì rằng thế giới sẽ luôn biến động, biến động nhanh, và đó sẽ là một thế giới phức hợp. Chính vì vậy, giáo dục cũng phải đổi mới và thích nghi liên tục nếu không muốn thụt lùi. Và chỉ có sáng tạo thì mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của thế kỷ mới… Giáo dục toàn diện, giáo dục sáng tạo phải khiến cho chúng ta suy nghĩ bằng toàn bộ khối óc của mình", Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ thêm trong buổi hội nghị.
Để tham gia Hội nghị thường niên về tương lai giáo dục, bạn có thể truy cập website: https://embassyeducation.edu.vn/symphony/
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn