“Từ nhỏ, em đã rất sợ máu, nhưng hôm đó sau khi bác sĩ lấy tạng mẹ xong, em đã tới phòng hậu phẫu để nhìn mẹ mà không hề sợ hãi. Em muốn tiễn mẹ đi nốt quãng đường còn lại và muốn nói với mẹ rằng: Con tự hào về mẹ”, chị Tăng Minh Hiền chia sẻ khi nói về quyết định hiến tạng người mẹ sau khi chết não để nhường sự sống cho những người bệnh khác.
Một ngày giữa tháng 9/2022, chị Hiền bất ngờ nhận được cuộc điện thoại báo tin, mẹ chị là bà Nguyễn Thị Hồng Hải (SN 1972) phải vào viện cấp cứu vì chấn thương. Tức tốc vào viện rồi chờ đợi suốt 2 ngày, chị luôn cầu mong mọi thứ sẽ ổn và mẹ sớm khỏe lại. Thế nhưng, niềm hy vọng đó ngày càng mong manh khi bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị tâm lý đón nhận tình huống xấu nhất.
Đợi chị Hiền bình tĩnh lại sau thông báo của bác sĩ, người chú ruột đã tới gần và nói: “Hay là hiến tạng mẹ cháu để giúp những người bệnh khác”. Nghe câu nói đó, chị Hiền bình tâm và nhớ lại, khi còn khỏe mạnh, mẹ chị cũng có ý định hiến tạng sau khi qua đời. Thế nhưng thật không ngờ ngày đó lại đến sớm như vậy.
Muốn thực hiện tâm nguyện của mẹ nhưng chỉ cần một người trong gia đình không đồng ý, bác sĩ cũng không thể thực hiện việc nhận tạng. Khi đó, chị Hiền phải mất hơn 1 ngày để giải thích, cuối cùng nhận được cái gật đầu của đại gia đình.
Một cô gái chưa đầy 30 tuổi, quyết định hiến tạng mẹ, đó thật sự là một quyết định dũng cảm ít ai làm được. Không chỉ vậy, chị Hiền còn là trụ cột gia đình sau khi mẹ qua đời. Hơn 4 năm trước, bố chị đã mất vì ung thư. Còn người em của chị năm nay vừa tròn 18 tuổi, ngày mẹ mất cũng là ngày em đang chờ kết quả trúng tuyển vào đại học.
Giây phút ký vào đơn tự nguyện hiến tạng (sau khi mẹ chết não), chị Hiền đến bên và thì thầm với mẹ rằng: “Con sẽ thay bố mẹ chăm sóc em. Con tự hào về mẹ”. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má, chị Hiền vuốt nhẹ lên mái tóc mẹ, rồi ngắm nhìn mẹ như đang nằm ngủ trước khi đưa vào phòng phẫu thuật.
Theo các bác sĩ, nên nhân rộng việc hiến tạng từ người chết não để cứu sống nhiều người bệnh khác. Ảnh minh họa.
Khi bà Hải được đưa vào phòng phẫu thuật, chị Hiền cùng người thân nín thở chờ đợi bên ngoài. Lúc tiếng gọi của bác sĩ cất lên, một mình chị Hiền bước vào phòng hậu phẫu nhìn mẹ lần cuối, chị nói rằng khi đó chị đến để đưa mẹ đi nốt quãng đường còn lại.
Được biết, sau khi phẫu thuật, phổi của bệnh nhân đã chuyển về Bệnh viện 108; gan, 2 thận, 3 mạch máu và 5 gân được đưa về ngân hàng Mô Bệnh viện Việt Đức; 2 giác mạc chuyển về Bệnh viện Mắt Trung ương.
Cũng giống như chị Hiền, trong buổi lễ tri ân, truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" tại trường Đại học Y Hà Nội, ông Đào Đức Thắng - bố của anh Đào Đức Lợi, 27 tuổi, ở Bắc Ninh- là người hiến các bộ phận cơ thể sau khi chết não của con để cứu những người mắc bệnh cũng vô cùng xúc động khi nói về con trai mình.
Hai bệnh nhân hiến tạng cứu người được truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.
“Con trai tôi gần 30 tuổi, chưa cống hiến được nhiều cho xã hội. Vì thế, tôi muốn sau khi con mất sẽ để lại cái gì đó cho đời. Tôi tin rằng ở thế giới bên kia, con cũng vui vì đã làm được điều có ích sau khi mất. Dù sau khi đưa ra quyết định này nhiều người nói tôi bán tạng của con”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, từ nguồn tạng hiến của bà Nguyễn Thị Hồng Hải và anh Đào Đức Lợi, gần 10 người được cứu sống, hiện sức khỏe ổn định.
Theo thông tin từ ông Hoàng Phúc, tính đến tháng 12, cả nước có hơn 62.000 người đăng ký hiến mô, tạng. Việt Nam đã triển khai hơn 7.000 ca ghép. Nguồn tạng hiến chủ yếu từ người sống, nhưng nguồn từ người cho chết não đã tăng lên hơn 100 người. Riêng năm 2022 có hơn 10 người chết não hiến tạng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn