Tiếp tục chương trình, sáng 29/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục xem xét cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam.
Riêng về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21), theo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, phương án "hậu kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng là xu hướng chung trên thế giới, đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Do vậy, Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất thực hiện "hậu kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng…
Nội dung này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: một tác phẩm điện ảnh như một phim đã được phát hành ra công chúng thì không thể thu lại từ tâm trí người xem, người tiếp nhận. Vì vậy, việc tiền kiểm hay hậu kiểm cần xuất phát từ bản chất của điện ảnh, là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Trong bối cảnh thể chế, truyền thống văn hóa nước ta, thì việc học tập kinh nghiệm các quốc gia có thể chế chính trị khác cần hết sức cân nhắc, thận trọng.
Theo đó, đại biểu này kiến nghị cần "đánh giá kỹ hơn tác động và bổ sung thêm cơ chế xử lý sau hậu kiểm để Quốc hội xem xét, quyết định". Cùng với đó đề nghị xem xét bổ sung quy định phối hợp công - tư trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm.
Đại biểu này đề nghị: cần bổ sung vào Dự án Luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định các tiêu chí chung, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết "các dấu hiệu mà một bộ phim có khả năng ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại"... Nếu có những dấu hiệu này, chủ thể phổ biến phim phải gửi Hội đồng để phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng. Còn trường hợp khác, chủ thể phát hành phim tự quyết định phổ biến và chịu trách nhiệm.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến vào các nội dung khác như chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; thẩm định, phân loại phim, cấp giấy phép phân loại phim; về phổ biến phim trên không gian mạng; về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phát triển. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, một số vấn đề đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát việc xây dựng Luật đã đáp ứng quan điểm, yêu cầu khi ban hành Luật hay chưa; Đánh giá cụ thể, thuyết phục hơn tác động quy định tiền kiểm, hậu kiểm phim trên không gian mạng, vai trò quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm; quy định về chủ thể phát hành phim trên không gian mạng…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, thuyết phục và hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn