Tiếp tục chương trình chiều 26/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Việc tăng lương là điều phấn khởi, tuy nhiên cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Đồng thời, cần quan tâm tới vấn đề tăng giá các hàng hóa, khi lương chưa kịp tăng thì giá cả các mặt hàng đã tăng trước một bước. Cần phải có các giải pháp bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu bị đẩy giá do yếu tố tâm lý.
Đại biểu cũng đề nghị, khi lương tăng cần phải nghiên cứu để giảm trừ gia cảnh cho người hưởng lương cho phù hợp với đời sống thực tế của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh mức sống tăng cao, chi phí đắt đỏ hơn.
Đặt ra vấn đề quá trình tăng lương cơ sở tác động ra sao tới lạm phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, cho biết: Trong 20 năm qua, nước ta tăng lương cơ sở 14 lần. Có 12 lần tăng lương cơ sở thì năm đó lạm phát lại giảm.
Chỉ có 2 lần tăng lương cơ sở và lạm phát tăng trong năm đó. Cụ thể là năm 2008 tăng lương cơ sở lên 20%; năm đó lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%. Năm 2011 khi tăng lương cơ sở lên 13,7%; lạm phát cùng năm tăng từ 9,2% lên 18,6%.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, 2 năm này tăng lạm phát không chỉ do lương cơ sở tăng mà còn do lạm phát của thế giới tác động, giá dầu tăng cao, tỷ giá trong nước tăng cao...
Những năm qua, nước ta đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát, theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4%; giữ ổn định cho được tỷ giá.
Đồng thời điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý như điện, học phí, dịch vụ y tế... cần giãn thời điểm điều chỉnh với thời điểm tăng lương từ ngày 1/7/2024 để tránh có sự cộng hưởng. Đồng thời đẩy mạnh cung ứng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; thúc đẩy sản xuất.
Đặc biệt, cần kiểm soát được "lạm phát tin đồn, lạm phát tâm lý" tạo hiệu ứng Domino té nước theo mưa. Tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật về giá.
Cũng về nội dung này, trước đó, thảo luận tại tổ (chiều 25/6), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Trong bối cảnh, tình hình nền kinh tế ở thế giới nói chung và ở trong nước nói riêng còn nhiều khó khăn thì việc tăng lương lần này đã thể hiện sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong cải cách tiền lương, chăm lo cho cuộc sống của Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Theo mức tăng lương mới, từ ngày 1/7/2024, lương ở khu vực công được tăng đến 30% và tăng đồng đều cho tất cả đối tượng (kể cả đối tượng nghỉ hưu). Đây là mức tăng khá cao so với những lần tăng lương gần đây.
Riêng đối với người nghỉ hưu trước năm 1995, việc tăng lương hưu lên đến 38%. Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng.
Với việc tăng lương lần này, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2/2 nội dung. Đối với khu vực công lập, thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với khu vực công nhưng hiện đang hưởng lương thấp và cũng là sự điều chỉnh tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư để không còn có nhiều sự chênh lệch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn