Hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động năm 2021, xuất phát từ tính nhân văn của chương trình, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị đã chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Bộ Công an xây dựng, triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" trong Công an nhân dân.
Qua hơn 1 năm triển khai, 100% Hội Phụ nữ công an các địa phương đã triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" trong các cấp hội. Đến nay, đã có 101 Hội Phụ nữ Công an đơn vị, địa phương triển khai nhận nuôi trẻ mồ côi theo chương trình "Mẹ đỡ đầu". Trong đó, có 30 Hội Phụ nữ Công an đơn vị địa phương nhận nuôi từ 20 cháu trở lên.
Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều Hội Phụ nữ triển khai tốt chương trình "Mẹ đỡ đầu" như: Hội Phụ nữ Công an Thành phố Cần Thơ nhận đỡ đầu 58 cháu, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Vĩnh Phúc: 61 cháu, Tiền Giang: 53 cháu, Yên Bái: 47 cháu, Phú Thọ: 42 cháu…
Đặc biệt, đa số Hội Phụ nữ các đơn vị, địa phương nhận đỡ đầu các cháu bị tật nguyền không có khả năng phục vụ bản thân và mồ côi, các cháu có bố mẹ, người thân chết do dịch bệnh Covid-19.
Hội Phụ nữ các đơn vị tại vùng có nhiều dân tộc thiểu số, vùng có đông người theo đạo Thiên Chúa đã nhận các cháu mồ côi là con em người dân tộc thiểu số, người theo đạo, như Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Nông nhận nuôi 34 cháu (100% là người dân tộc thiểu số).
Một số Hội Phụ nữ nhận nuôi cháu bé mồ côi có bố hoặc mẹ đang thi hành án phạt tù, hoặc bản thân cháu bé đang bị nhiễm HIV hay là nạn nhân của tội phạm hiếp dâm.
Hiện tổng số trẻ được các cấp Hội Phụ nữ nhận đỡ đầu trong toàn lực lượng công an là 1.656 cháu. Trong đó, 214 cháu được Hội Phụ nữ các đơn vị trực thuộc Bộ nhận nuôi, 1.442 cháu được công an các đơn vị địa phương nhận nuôi.
Hàng tháng các "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ kinh phí sinh hoạt học tập với mức trung bình từ 300.000 đến 1.500.000 đ/1 tháng/1 cháu tùy theo điều kiện từng đơn vị; tặng quà là đồ dùng học tập, quần áo, đồ dùng thiết yếu; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn học tập. Các cấp hội trong Phụ nữ Công an nhân dân đã đóng góp và vận động hơn 9,5 tỷ đồng nuôi dưỡng các con được đỡ đầu.
Phát biểu tại chương trình, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em Công an nhân dân đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà các cấp ủy Đảng, lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương và tổ chức Hội phụ nữ các cấp trong Công an nhân dân cũng như cá nhân các Mẹ đã đạt được trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng và công an cơ sở, nòng cốt là tổ chức Hội phụ nữ các cấp và công an cấp xã với vai trò nòng cốt thực hiện Chương trình Mẹ đỡ đầu trẻ mồ côi".
"Về đối tượng áp dụng không nhất thiết chỉ là đối với các trẻ mồ côi do Covid-19, mà cần phải được mở rộng hơn, đa dạng hơn, không phân biệt thành phần, giới tính, độ tuổi. Trong đó, tập trung hơn đối với những trẻ mô côi cả cha lẫn mẹ, trẻ mồ côi có bố mẹ trong lực lượng công an nhân dân; trẻ mồ côi không nơi nương tựa, không được học hành, lang thang cơ nhỡ có biểu hiện hư; trẻ mồ côi là người dân tộc thiểu số hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với tinh thần "không cháu mồ côi nào bị bỏ lại phía sau"- đồng chí Thứ trưởng nêu rõ.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cũng đề nghị: "Ban Phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ trong Công an nhân dân cần tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa về ý nghĩa nhân văn cao cả của chương trình; động viên hội viên tích cực hưởng ứng tham gia và đồng hành cùng chương trình. Các "Mẹ đỡ đầu" cần tích cực chăm lo hơn nữa và định hướng cho các con vững bước và viết tiếp những ước mơ tươi sáng của chặng đường sắp tới…".
Tại chương trình, Ban tổ chức đã khen thưởng và trao học bổng cho 75 cặp mẹ con tiêu biểu trong chương trình "Mẹ đỡ đầu" của lực lượng Công an nhân dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn