Cần phải có một nền kinh tế mới hướng tới bình đẳng và phát triển bền vững

11:32 | 25/01/2021;
Hội nghị cấp cao Davos lần thứ 51 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ diễn ra tại Thụy Sĩ từ ngày 25 đến 29/1. Nhân dịp này, bà Gabriela Bucher - Giám đốc điều hành Tổ chức Oxfam Quốc tế đã có bài viết về một nền kinh tế mới nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cực đoan, chấm dứt bất bình đẳng giới và chủng tộc để thoát khỏi cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

"Suốt chiều dài lịch sử, các cuộc đại dịch đã khiến chúng ta nhận ra ai và điều gì thực sự có ý nghĩa. Hãy nghĩ về đội ngũ y bác sĩ đã dốc sức giữ cuộc sống cho chúng ta suốt một năm qua. Những người nông dân đã nuôi sống chúng ta. Các nhà khoa học sẽ cứu sống nhân loại. Hoặc nghĩ đến bầu không khí trong lành để lần đầu tiên con cái chúng ta được tự do hít thở.

Davos - Oxfam - kinh tế mới

Bà Gabriela Bucher - Giám đốc điều hành Tổ chức Oxfam Quốc tế

Nhưng ngay cả trong thời điểm tinh thần cộng đồng được nêu cao hơn bao giờ hết, vẫn có những thế lực đang âm thầm chia rẽ thế giới.

Trên toàn cầu, các chính trị gia mị dân lại đang lan tỏa khuynh hướng nguy hại của họ. Sự chia rẽ vươn rễ khắp nơi và bám sâu vào các nền kinh tế.

Hôm nay, tổ chức Oxfam ra mắt báo cáo nghiên cứu mới, đem đến những phân tích sâu sắc về các thách thức đang diễn ra. Nghiên cứu chỉ ra:

- Chúng ta có thể đang phải đối mặt với bất bình đẳng gia tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay khi đại dịch toàn cầu đã làm bất bình đẳng kinh tế đồng loạt gia tăng ở hầu hết các quốc gia.

- Hàng tỷ người nghèo trên thế giới có thể mất hơn một thập kỷ để phục hồi từ ảnh hưởng kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra. Trong khi đó, 1.000 người giàu nhất thế giới chỉ cần mất 9 tháng để phục hồi số tài sản bị thiệt hại do đại dịch.

- Chỉ 10 tỷ phú giàu nhất trên thế giới, tất cả đều là nam giới đã chứng kiến tổng giá trị tài sản tăng tới 500 nghìn tỷ đô tính từ thời điểm đại dịch bắt đầu. Số tiền này thừa đủ để chi trả vaccine COVID-19 cho tất cả mọi người và ngăn chặn tình trạng người dân rơi vào cảnh đói nghèo do đại dịch.

Davos - Oxfam - kinh tế mới - bình đẳng

Bất bình đẳng thu nhập

Nền kinh tế và xã hội của chúng ta đang bị nhiễm một loại virus bất bình đẳng cũng chết người không kém gì COVID-19.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà một nhóm nhỏ người giàu nhất gần như đang ở một hành tinh khác, trong khi hàng tỷ người còn lại đang phải vật lộn trong hành tinh này để sống sót.

Nếu bạn nghèo, là nữ giới, thuộc nhóm dân tộc và chủng tộc bị gạt sang bên lề, bạn có nguy cơ lớn hơn bị mất thu nhập hoặc bị đẩy vào cảnh đói nghèo. Khắp nơi trên thế giới, virus bất bình đẳng này chủ yếu giết chết người nghèo và những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm ngoài lề như vậy.

Chúng ta thấy phụ nữ thường làm việc trong các lĩnh vực trả lương thấp như du lịch và bán lẻ, là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19. Nếu nam và nữ đều có chỗ đứng bình đẳng trong những ngành nghề này, 100 triệu lao động nữ sẽ không có nguy cơ mất việc. Hãy thử hỏi bất kỳ người phụ nữ nào. Câu trả lời sẽ không có gì phải ngạc nhiên.

kinh tế mới - thất học - Covid-19

Nữ sinh ở châu Phi phải học ở nhà vì Covid-19

Một ví dụ khác là việc 20 triệu nữ sinh học trung học cơ sở có nguy cơ không thể quay lại trường học. Thật bất công và xót xa cho các em, khiến chúng ta đau lòng khi nghĩ đến những bước tiến đã đạt được những năm gần đây trong phong trào đòi quyền bình đẳng cho trẻ em gái.

Hãy nghĩ đến những người gốc Phi tại Brazil có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao gấp 40 lần so với người da trắng.

Hoặc gần 22.000 người da đen và người gốc Nam Mỹ tại Hoa Kỳ có lẽ sẽ vẫn còn sống, nếu tỷ lệ tử vong vì COVID-19 của nhóm người này ngang bằng với người da trắng.

Đã có quá nhiều gia đình mất đi những người thân yêu của mình. Đó là do chúng ta đã không thể xóa bỏ tư tưởng coi trọng người có địa vị, quyền thế, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, nạn phân biệt chủng tộc và truyền thống phụ quyền bám rễ trong hệ thống kinh tế của chúng ta.

Thật trớ trêu là những điều này không còn gây ngạc nhiên cho mỗi chúng ta, phải không?

Đó là lý do phải có một nền kinh tế mới hướng tới bình đẳng và phát triển bền vững nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cực đoan, chấm dứt bất bình đẳng giới và chủng tộc để chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Oxfam kêu gọi tất cả chính phủ các nước cùng cam kết chấm dứt bất bình đẳng cực đoan. Đây cũng chính là điều tôi muốn nhắn gửi đến các lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Davos. Tôi chia sẻ lời kêu gọi từ khắp nơi trên thế giới, từ những người trẻ tham gia tuần hành chống biến đổi khí hậu, phong trào "Black Lives Matter", và các nhà hoạt động trong Liên Minh Chống Bất Bình Đẳng (Fight Inequality Alliance).

Những nhà lãnh đạo các nước có thể học từ các quốc gia như New Zeland, nơi đã đặt phúc lợi của người dân làm trọng tâm trong ngân sách chi tiêu công của mình. Các nước Sierra Leone và Hàn Quốc đã có những bước đi đầy tham vọng trong việc giải quyết bất bình đẳng.

Oxfam - vaccine - kinh tế mới

Oxfam kêu gọi các chính phủ triển khai tiêm vaccine tới mọi người dân

Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo các nước ủng hộ một dự án vaccine tới người dân (People's Vaccine) để tất cả mọi người đều được tiêm chủng, không chỉ công dân của các nước giàu nhất trên thế giới. Giới lãnh đạo cần kiên quyết với các công ty dược phẩm trong việc công nghệ vaccine phải được chia sẻ rộng rãi, để chúng ta có thể sản xuất đủ số lượng vaccine cho mọi người trên toàn cầu.

Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo bảo đảm dịch vụ công chất lượng cho toàn dân để mọi người, bất kể màu da hay thu nhập đều được tiếp cận chăm sóc y tế có chất lượng. Đây là một điều mà nhiều quốc gia đã đạt được như Costa Rica đã cho thấy họ đã làm được chỉ trong vòng một thập kỷ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần đảm bảo giáo dục phổ cập để không một bé gái nào phải bỏ học vì thiếu tiền. An sinh xã hội phổ quát để không ai bị rơi vào cảnh đói nghèo khi họ bị mất việc.

Hãy hành động thiết thực bằng cách đầu tư vào lĩnh vực carbon thấp để tạo ra hàng triệu việc làm mới. Hãy thực sự định giá hàng tỷ giờ làm công việc chăm sóc của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị phân biệt chủng tộc. Cần coi công việc chăm sóc không được trả công hoặc trả công thấp là những công việc thực sự.

Điều này có nghĩa chúng ta phải đánh thuế người giàu để đầu tư vào một tương lai xanh và công bằng hơn cho thế hệ con cháu chúng ta. Hãy xem cách Argentina ban hành chính sách đánh thuế người siêu giàu để thu về hàng tỷ đô nhằm chống lại dịch COVID-19.

Điều đó cũng có nghĩa chúng ta cần đứng lên chống lại biến đổi khí hậu, vấn đề đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm người cực nghèo và những cộng đồng bị lề hóa. Đi đôi với việc đó là bảo vệ nền dân chủ của chúng ta khỏi sự thao túng quyền lực của giới siêu giàu.

Xóa bỏ bất bình đẳng là nhiệm vụ chính trị của mỗi chính phủ, nhưng khối doanh nghiệp cũng đóng một vai trò riêng. Chúng ta cần những mô hình doanh nghiệp công bằng hơn và việc tối thiểu các tập đoàn lớn cần làm là không gây hại.

Một số doanh nghiệp đang đi những bước đúng đắn như hãng sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ Unilever đã cam kết đảm bảo mức lương và thu nhập đủ sống cho tất cả những người trực tiếp cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho hãng. Đây là một hành động mọi doanh nghiệp tại Davos cần học tập.

Năm 2021 sẽ là một năm đặc biệt, chúng ta cần nắm lấy cơ hội trước khi mọi thứ quá muộn, để tiến tới một nền kinh tế nhân văn cho tất cả mọi người, không chỉ dành cho một nhóm nhỏ đặc quyền".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn