Chúng tôi đến với bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Khắp các con đường dẫn vào bản những chậu hoa địa lan đều đang chớm nở, đợi khách hàng đến mua về chơi Tết. Đi dọc theo con đường phong quang, sạch đẹp dẫn vào bản, ít ai nghĩ, trước đây, Sin Suối Hồ là một "điểm nóng" về ma túy tại tỉnh Lai Châu. Với sự nỗ lực của bà con và các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, Sin Suối Hồ ngày nay không chỉ biết đến là một địa chỉ du lịch hấp dẫn mà còn nơi đây còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế đã và đang được bà con áp dụng, để vượt qua đói nghèo, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế.
Nằm trên độ cao 1500m so với mực nước biển, với nhiệt độ thời tiết ôn hòa, độ ẩm phong phú, ánh sáng phù hợp, thổ nhưỡng phì nhiêu, không gian thoáng đãng, Sin Suối Hồ là vùng đất lý tưởng để trồng hoa địa lan, trồng đào. Đây cũng là loại cây giúp nhiều hộ gia đình người dân tộc Mông có của ăn, của để.
Đi dọc xuống gần cuối bản, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Sùng Thị Về. Giới thiệu với chúng tôi ngôi nhà khang trang vừa mới làm xong, chị Về chia sẻ: Gia đình chị có hai vợ chồng và hai con còn nhỏ. Trước đây, cuộc sống vất vả lắm. Từ khi được Hội LHPN xã vận động tham gia chương trình vay vốn chính sách dành cho hộ nghèo chính, chị đã có tiền để trồng lan, trồng chè, chăm nuôi. Cuộc sống gia đình cũng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Cách nhà chị Sùng Thị Về không xa là khu vườn trồng địa lan của gia đình anh Hảng A Dở. Hai vợ chồng anh thoăn thoắn bó từng chậu lan chuyển lên xe ô tô để kịp bán cho khách dưới xuôi đang đợi mua. Vừa làm, anh Dở vừa tranh thủ trò chuyện. Anh cho biết: Nhờ sự tiếp sức của các nguồn vốn vay, anh có tiền để trồng lan, trồng đào, kinh tế gia đình khấm khá, có điều kiện cho con ăn học, mua được xe máy, ô tô. Vợ chồng anh còn mở được cả nhà nghỉ để đón khách du lịch.
Hỗ trợ bà con, đặc biệt là phụ nữ Sin Suối Hồ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đồng hành của các cơ quan, tổ chức, trong đó có Hội LHPN Việt Nam. Nhờ những nguồn hỗ trợ và sự nỗ lực, ý chí thoát nghèo của người dân trong bản, Sin Suối Hồ đang đổi thay từng ngày.
Với quan điểm hỗ trợ dựa trên nhu cầu và thế mạnh của địa phương cũng như đáp ứng được nhu cầu của thị trường, từ năm 2018, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình Tổ hợp tác "Trồng và phát triển cây hoa Địa lan rừng" - một trong những cây trồng chiếm ưu thế của địa phương. Bước đầu, mô hình hoạt động khá hiệu quả, cây lan phát triển tốt và cho giá trị kinh tế cao.
Thay đổi cách suy nghĩ tích cực hơn, tự chủ về kinh tế
"Trước đây, không phải hộ gia đình hay chị em phụ nữ nào cũng có thể trồng được hoa địa lan, vì giống hoa này rất đắt, nhiều người không có điều kiện để mua về trồng", chị Sùng Thị Le (Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sin Suối Hồ) chia sẻ. Nhận thấy hoa địa lan là cây trồng thế mạnh của địa phương, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ phụ nữ Sin Suối Hồ xây dựng mô hình Tổ hợp tác "Trồng và phát triển cây hoa Địa lan rừng". Mô hình được triển khai từ năm 2018 đến nay.
Chị Hảng Thị Sú (dân tộc Mông), một người dân trong bản cho biết: Các chị em tham gia mô hình được vay vốn hỗ trợ từ Hội phụ nữ, với số tiền vay 12 triệu, trong vòng 3 năm, mỗi năm trả 4 triệu và không phải trả lãi. Số tiền vay này tuy không nhiều nhưng thực sự rất có ý nghĩa đối với chị em trong bản. Với số tiền này, chị em dùng để mua một chậu lan về nhân giống, chăm sóc. Từ đó tiếp tục chăm sóc, nhân giống lên và phát triển kinh tế hộ gia đình. Không phải trả lãi nên các chị em nghèo rất yên tâm.
"Trước khi nhận hỗ trợ, các chị em phụ nữ trong bản nghèo lắm. Nhất là đến Tết, không có tiền để mua sắm quần áo, vật dụng cho bản thân và gia đình. Nhưng từ khi được nhận vốn vay hỗ trợ từ Hội phụ nữ và tham gia tổ hợp tác trồng địa lan, bây giờ, hộ nghèo cũng có tối thiểu hơn 10 chậu địa lan, cuộc sống của các thành viên tốt hơn trước kia rất nhiều. Có những gia đình làm giàu từ hoa địa lan với từ 500 – 1.000 chậu, mua được xe máy, ô tô, mở homestay…", chị Sùng Thị Le chia sẻ thêm.
Để trồng được địa lan đẹp, hoa nở đúng dịp Tết, những người phụ nữ dân tộc Mông tại Sin Suối Hồ cũng có những bí quyết riêng. Khi trồng địa lan phải chú ý làm đất để chậu lan không để bị úng nước hoặc bị sâu rệp, phát triển kém. Hàng ngày, cần làm vệ sinh, bỏ hết các rễ thân thối, nhặt các lá rụng, lá vàng phủ ở các gốc để tránh không bị rệp trú ẩn, tách bỏ các dò bị vàng lá và tưới cho cây. Để địa lan phát triển, nên đặt ở những nơi thoáng, mát… Những kiến thức, kinh nghiệm này được chị em chia sẻ trong những buổi sinh hoạt của tổ hợp tác. Cứ sau một năm, khi thực hiện một đợt vay vốn hỗ trợ mới, những người làm tốt sẽ chia sẻ bí quyết cho các thành viên trong tổ về cách trồng hiệu quả để địa lan ra mầm tốt, ra hoa đẹp, đúng thời điểm.
"Tham gia mô hình trồng hoa địa lan, chị em đều cố gắng làm tốt, tích cực nhân rộng các chậu hoa để nguồn vốn vay có hiệu quả. Chúng tôi dần thay đổi cách suy nghĩ tích cực hơn, tự chủ về kinh tế, mạnh dạn trao đổi, chia sẻ những việc lớn trong gia đình và được coi trọng hơn", chị Sùng Thị Về, thành viên trong tổ hợp tác bày tỏ.
Tính đến nay, Tổ hợp tác "Trồng và phát triển cây hoa Địa lan rừng" của huyện Sin Suối Hồ có 4 tổ làm mô hình trồng địa lan với hơn 100 thành viên. Các chậu hoa địa lan chủ yếu bán người chơi hoa lan tại thành phố Lai Châu và các địa phương lân cận với giá từ 200.000 – 250.000 đồng/cành.
Song song với các hoạt động hỗ trợ chị em tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để thoát nghèo bền vững, Hội LHPN các cấp còn tổ chức cho chị em học tập kiến thức, kỹ năng quản lý chi tiêu, tiết kiệm thông qua hỗ trợ thành lập mô hình "Nhóm tiết kiệm tự quản", duy trì thói quen tiết kiệm cho chị em phụ nữ và tạo lập nguồn vốn để hỗ trợ cho chính các thành viên trong mô hình vay vốn phát triển kinh tế. Chị Sùng Thị Le chia sẻ thêm. Được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng địa bàn, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ là hộ nghèo đã vươn lên có kinh tế khá với mức thu nhập ổn định.
Tạm biệt Sin Suối Hồ, tạm biệt những người phụ nữ giàu nghị lực đang ngày ngày nỗ lực để hoa địa lan nở trên núi đá, chúng tôi càng thấy ý nghĩa của câu nói "cách giúp người nghèo hiệu quả nhất chính là trao chiếc cần cầu, chứ không phải trao cho họ con cá". Tin rằng, với sự cố gắng của họ, sự chung tay giúp sức của các cấp, các ngành, của Hội LHPN, sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ nơi đây vươn lên thoát nghèo, trở thành điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa cho nhiều hộ nghèo khác học tập.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn