pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chung sức trao hy vọng cho phụ nữ vùng biên Quảng Bình thoát nghèo
Hội LHPN xã Trường Sơn phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô thi công công trình “Nhà vệ sinh vì cộng đồng” tặng người dân xã Trường Sơn. Ảnh: Thanh Nam
"Với việc trao tặng cây, con giống, gây dựng các mô hình phát triển vườn, chuồng, các anh Bộ đội Biên phòng, cán bộ Hội LHPN xã muốn gửi thông điệp rất giản dị tới người dân là nếu quyết tâm và chịu khó học hỏi sẽ làm được. Đó là điều có ý nghĩa cao nhất chương trình mang đến cho người dân nói chung và hội viên phụ nữ xã Trường Sơn nói riêng". Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Vườn cây hy vọng
Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô gọi bà Hồ Thị Con, dân tộc Vân Kiều bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là mẹ. Nghe hai người trò chuyện, xưng mẹ - con có thể cảm nhận được sự thân tình như người trong một gia đình.
Hỏi chuyện mới biết, không riêng gì Đại úy Nam mà những người lính biên phòng khác ở đây đều thương quý mẹ như người thân của mình. Ngược lại, mẹ Con quý trọng những người lính Biên phòng hết lòng bởi một lý do giản dị Bộ đội Biên phòng luôn gần dân, yêu dân, hết lòng giúp đỡ người dân như cách giải thích của mẹ Con.
Như bao ngày bình thường, chiều nay, mẹ Con mang cuốc xẻng ra vườn na và ổi. Mẹ Con giới thiệu: "Khu vườn này do Bộ đội Biên phòng tặng mẹ hồi cuối năm 2021. Trong vườn có hơn 80 cây ổi và khoảng 350 cây na. Trước đây, khu đất này mẹ trồng sắn và keo. Mỗi năm cho thu hoạch có 2 triệu đồng thôi. Các con Biên phòng thấy thu nhập thấp quá nên đầu tư cây giống, làm đất chuyển sang trồng ổi và na. Không chỉ tặng cây giống, cán bộ Biên phòng còn thường xuyên tới giúp mẹ làm cỏ, bón phân, xới đất, chăm sóc vườn cây này".
Từ ngày được Bộ đội Biên phòng tặng nguyên vườn cây ăn trái ước tính sẽ mang lại thu nhập cao hơn cây sắn, mẹ Con rất vui. "Sau gần 2 năm, vườn cây phát triển xanh tốt. Mỗi lần nhìn nó là mẹ thấy vui, ấm áp trong lòng. Năm nay cây ổi đã cho ra trái, vườn na cũng bắt đầu bói quả nhưng đợt vừa rồi bị sâu nhiều quá. Mẹ mong muốn được hướng dẫn thêm về kỹ thuật chăm sóc để vườn cây cho năng suất tốt. Hy vọng vườn cây này sẽ giúp cho mẹ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống" - mẹ Con tâm sự.
Mẹ Con là một trong số những phụ nữ được Đồn Biên phòng Làng Mô tặng cây giống, phát triển vườn cây để có sinh kế bền vững trong quá trình triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương".
Tuyên truyền, tạo động lực cho phụ nữ thoát nghèo
Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn, chúng tôi được biết, Trường Sơn có 19 thôn, bản, diện tích tự nhiên rộng lớn nhưng địa hình chủ yếu là núi đá vôi, chia cắt. Có những thôn, bản đến giờ vẫn chưa có đường đi, điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Toàn xã Trường Sơn hiện có 1.240 hộ với trên 5.000 nhân khẩu, trong đó 60% là đồng bào Bru Vân Kiều. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%. Chị Duyên cho biết: "Mặc dù bà con rất chăm chỉ cần cù, tuy nhiên do khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi dốc, đất canh tác ít, lại thường xuyên bị mưa lũ, sạt lở chỉ có 1 vài bản trồng được lúa nước 1 vụ, còn lại bà con chỉ trồng được hoa màu. Do đó, đời sống của người dân rất khó khăn".
Theo lời chị Duyên, Hội LHPN xã Trường Sơn có gần 1.000 hội viên. Trong những năm qua, hội viên phụ nữ xã đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ từ Đồn Biên phòng Làng Mô thông qua thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và các chương trình, hoạt động an sinh xã hội khác.
Trong đó, hoạt động thường xuyên liên tục nhất là Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, tuyên truyền bà con nhân dân, chị em phụ nữ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chị Duyên cho hay: "Bộ đội Biên phòng cũng phối hợp với Hội tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, góp phần xóa mù chữ; hướng dẫn phụ nữ tổ chức cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: Xâm hại phụ nữ, trẻ em; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình. Vận động chị em phụ nữ xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" và "5 có". Hình thức tuyên truyền rất đa dạng, từ tuyên truyền tập trung, nhỏ lẻ, phát tờ rơi đến tuyên truyền lưu động, trực quan sinh động nên chị em dễ tiếp thu".
Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô phát tờ rơi tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ xã Trường Sơn. Ảnh: Thanh Nam
Giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, Đồn Biên phòng Làng Mô đã vận động các nguồn kinh phí triển khai mô hình trồng dứa, na, ổi tại bản Chân Trộng, bản Bến Đường. Đồng thời phối hợp với chính quyền và Hội LHPN xã Trường Sơn hỗ trợ 6 mô hình sinh kế phát triển kinh tế hộ gia đình; 1.000 cây dổi ghép và huê đỏ; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nhân dân, cho chị em hội viên phụ nữ", chị Duyên cho biết thêm.
Món quà đặc biệt
Câu chuyện giữa tôi và chị Duyên kéo dài miên man bởi những hoạt động phối hợp giữa Đồn Biên phòng Làng Mô và Hội LHPN xã Trường Sơn không chỉ dừng lại ở đó. Trong năm 2022, với tình cảm và trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đã kết nối xây dựng 7 công trình nước sạch, 9 căn nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 900 triệu đồng.
Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Đồn Biên phòng Làng Mô còn phối hợp UBND và với Hội LHPN xã Trường Sơn triển khai xây dựng 17 "Công trình vệ sinh vì cộng đồng" (nhà vệ sinh tự hủy) hỗ trợ cho các hộ gia đình là Chi hội trưởng, chi hội phó phụ nữ, các hộ gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó từng bước giúp bà con nhân dân thay đổi nếp sống sinh hoạt lạc hậu, giữ gìn vệ sinh môi trường, cũng như động viên, khích lệ phong trào tại các chi hội.
Sửa chữa, hoàn thiện đường ống dẫn nước sinh hoạt về bản cho người dân. Ảnh: Thanh Nam
Chị Trần Thị Mai, thôn Tân Sơn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Sơn, một trong những hộ được trao tặng công trình vệ sinh cho biết: "Thôn tôi nằm bên kia bờ sông Trường Sơn. Sông nước cách trở, mùa mưa phải đi đò, hoặc xuôi xuống phía dưới khoảng 2km mới có cầu treo đi sang, còn mùa nước cạn, có thể lội qua sông. Đường đi xa xôi nhưng cán bộ Biên phòng và hội viên phụ nữ không ngại vất vả, trực tiếp vận chuyển vật liệu, thiết bị và giúp đỡ thi công công trình giúp gia đình tôi. Chỉ trong 3 ngày, với sự giúp sức của bộ đội Biên phòng, gia đình tôi đã có nhà vệ sinh để dùng. Tôi rất vui vì công trình này rất tiện lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường, sạch sẽ hơn. Tôi tin rằng khi sử dụng công trình này, sức khỏe của các thành viên trong gia đình sẽ được đảm bảo tốt hơn so với trước kia".
Cùng với chị Mai, đến nay đã có 16 gia đình khác ở xã Trường Sơn được tặng "Công trình vệ sinh vì cộng đồng". Theo đó, "hầm" tự hủy của các nhà vệ sinh được làm từ các thùng nhựa nguyên sinh có sức dẻo dai, chịu được va đập tốt, không bị ăn mòn, oxy hóa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những hoạt động kể trên, Đồn Biên phòng Làng Mô còn triển khai mô hình "Tiếng máy vùng biên". Theo đó, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm và chính quyền địa phương hỗ trợ 25 máy cày, xay xát, nghiền trị giá hơn 226 triệu đồng cho các thôn, bản. Việc đưa loại máy móc này vào hoạt động đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động cho bà con, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ, động viên bà con áp dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả, năng suất lao động. Từ đó, khích lệ bà con mở rộng diện tích canh tác, sản xuất có hiệu quả.
Ngoài ra, Đồn Biên phòng Làng Mô còn xây dựng công trình nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho Bản Cổ Tràng, chiều dài 1 km, trị giá 75 triệu đồng. Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Làng Mô đã trực tiếp phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 7 Chương trình "Xuân Biên phòng- Ấm lòng dân Bản", 10 Chương trình "Biên cương vui hội trăng rằm", chương trình vui tết thiếu nhi tặng hơn 1.000 suất quà cho người dân và trẻ em.
Thông qua các hoạt động trên đã hỗ trợ chị em phụ nữ, tạo động lực để họ vươn lên, thoát khỏi đói nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.