Nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo

Minh Trang
28/11/2022 - 14:15
Nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo

Chị Lê Thị Tỵ trồng ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo

Trong thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế. Từ đó giúp cho đời sống ngày một đủ đầy hơn, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại địa phương.

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Tại ấp Tân Lập, xã Phước Thiện (huyện Bù Đốp, Bình Phước), hầu hết mọi người đều nể phục trước sự chịu thương, chịu khó, nỗ lực vươn lên của chị Lê Thị Tỵ. Từ miền đất xa xôi vào lập nghiệp với hai bàn tay trắng, giờ đây, chị đã có được một cơ ngơi khang trang, cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.

Vốn sinh ra ở một vùng quê của tỉnh Thanh Hóa, năm 2002, chị Tỵ lập gia đình rồi cùng chồng vào Bình Phước lập nghiệp. Vừa không có kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, lại vừa không có vốn nên thời gian đầu cả hai vợ chồng chị phải đi làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Hai năm sau khi vào vùng đất mới, với sự động viên của hội viên phụ nữ trong ấp, chị đã tham gia vào Hội Phụ nữ. Từ đây, chị đăng ký đi học các lớp tập huấn về kiến thức trồng trọt và chăn nuôi. Khi đã có kiến thức trong việc sản xuất, vợ chồng chị mạnh dạn mượn đất để trồng bí, mướp, dứa leo; bên cạnh đó còn nuôi thêm dê, gà, vịt.

Từ những thu nhập ban đầu, chị tiếp tục đầu tư để trồng vườn ổi khoảng 300 cây. Do biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật nên đã cho lợi nhuận tốt. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Ngôi nhà nhỏ ngày nào đã được thay thế bằng một ngôi nhà khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn, gia đình hạnh phúc.

Theo Hội LHPN xã Phước Thiện, chị Tỵ là tấm gương sáng cho chị em hội viên còn khó khăn có động lực phấn đấu, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm; góp phần xây dựng khu dân cư biên giới ngày càng phát triển, ổn định.

Phát triển kinh tế gia đình từ cây sen đa lộc

Trong khi đó, tại xã Thanh Phú (thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng sen đa lộc. Đây là một loại giống cây trồng mới trên địa bàn xã. Qua quá trình trồng thử nghiệm tại địa phương cây sen đa lộc được đánh giá là loại cây trồng không đòi hỏi nhiều kỹ thuật trồng nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo - Ảnh 2.

Nhiều hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế từ cây sen đa lộc

Trong số những người vươn lên thoát nghèo nhờ cây sen đa lộc phải kế đến chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, ấp Thanh Sơn (xã Thanh Phú). Trước đây, hoàn cảnh kinh tế của gia đình chị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với tinh thần vượt khó, năng động nên chị đã tích cực sưu tầm, tìm tòi, nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các buổi tập huấn do xã, thị xã tổ chức, để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả từ cây sen đa lộc. Qua tìm hiểu, chị Nga nhận thấy cây sen đa lộc là loài cây mang đến nhiều lợi ích. Bên cạnh đó, những cành hoa của cây sen đa lộc cũng cực kỳ thu hút với vẻ đẹp kiêu sa, thích hợp trong trang trí.

Nhận thấy tiềm năng của loại cây này, chị Nga đã mạnh dạn bàn bạc với chồng đầu tư trồng cây sen đa lộc, trên diện tích đất 3000m2 với số vốn ban đầu 60 triệu đồng. Sau thời gian trồng, chăm sóc, cây đã cho thu hoạch thường xuyên và đem lại thu nhập kinh tế cao. Mỗi tháng, gia đình chị có thu nhập từ 12-18 triệu đồng, đến nay chị đã lấy lại vốn đầu tư ban đầu.

Nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga đang ươm trồng cây giống

Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, chị Nga còn tuyên truyền, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với hội viên phụ nữ trên địa bàn mạnh dạn đầu tư để làm kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Chị đã hỗ trợ cho 5 chị em mua cây giống để trồng trên diện tích khoảng 1ha. Đồng thời, cam kết hỗ trợ đầu ra của sản phẩm, giúp chị em có thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình.

Theo Hội LHPN thị xã Bình Long, chị Nga là gương điển hình phụ nữ vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi để các chị em học tập và làm theo. Mô hình phát triển kinh tế từ cây sen đa lộc của gia đình chị đã được các chị em trong và ngoài xã nhân rộng đầu tư, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm