pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ưu tiên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái dân tộc hộ nghèo, cận nghèo
Đánh cồng chiêng trong lễ hội Yang Va. Ảnh: Đinh Hùng
Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch có các chỉ tiêu cụ thể gồm, 90% phụ nữ dân tộc thiểu số được cung cấp thông tin, kiến thức về pháp luật liên quan đến phụ nữ trẻ em, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, dân số, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
100% thôn, ấp đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Thị xã Phú Mỹ thành lập, củng cố, duy trì nâng cao chất lượng các mô hình/tổ/nhóm/câu lạc bộ truyền thông cộng đồng, phụ nữ tiết kiệm, địa chỉ tin cậy, mô hình, tổ nhóm hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc nuôi dạy con, phát triến kinh tế gia đình. Đồng thời, xây dựng tổ nhóm, câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em. Bên cạnh đó, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức và phối hợp tổ chức ít nhất 1 hoạt động đối thoại chính sách giữa cấp ủy Đảng, Chính quyền và hội viên phụ nữ dân tộc.
Kế hoạch sẽ được triển khai thực hiện tại 22 xã, 29 thôn, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất đỏ và Thị xã Phú Mỹ với các đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu sổ trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.
Trong giai đoạn 2022-2025, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với Ban Dân tộc và các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ triển khai thực hiện 4 hoạt động cơ bản gồm tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Giúp phụ nữ dân tộc thay đổi cách nghĩ, cách làm
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng hơn 25.700 người dân tộc thiểu số, với 38 thành phần dân tộc như: Hoa, Chơro, Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thổ, Chăm, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Stiêng, Ê đê, Ba Na... Đồng bào dân tộc đa số di cư từ các vùng khác nhau đến định cư, sinh sống xen kẽ với cộng đồng người kinh và tập chung chủ yếu ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Phú Mỹ và TP Vũng Tàu.
Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động, mô hình hay có hiệu quả cao được các cấp Hội lan tỏa đã góp phần giúp cho đời sống của bà con các dân tộc ngày càng phát triển.
Theo Hội LHPN huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tùy vào điều kiện thực tế của từng nơi mà Hội triển khai các hoạt động, mô hình phù hợp. Việc phát triển các mô hình kinh tế còn tạo động lực cho các chị em tham gia vào tổ chức Hội; giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế một cách bền vững. Các chị em phụ nữ dân tộc có chí làm ăn thì làm rất tốt. Khi thành lập các mô hình, tổ hợp tác thì Hội đều tiến hành rà soát, tập huấn, giới thiệu vay vốn ngân hàng… để mô hình đạt hiệu quả cao nhất. Có nhiều chị em đồng bào dân tộc cũng làm công tác xã hội rất tốt, nhiều gương rất đáng khâm phục.