Hội viên, phụ nữ ven biển thoát nghèo từ nghề vá lưới

Minh Trang
27/11/2022 - 11:49
Hội viên, phụ nữ ven biển thoát nghèo từ nghề vá lưới

Tham gia tổ phụ nữ đan lưới, vá lưới giúp chị em có thu nhập ổn định

Mô hình tổ phụ nữ đan, vá lưới hoạt động hiệu quả và được nhân rộng ở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ mà còn góp phần vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Góp phần giải quyết công ăn việc làm

Khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vốn có nhiều hội viên, phụ nữ làm nghề đan, vá lưới. Tuy nhiên, trước đây hầu hết các chị em đều làm việc riêng lẻ, không có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Từ thực tế này, nhằm tập hợp các chị em có tay nghề đan lưới, vá lười vào hoạt động có tổ chức nhằm tạo sự liên kết, thu nhập ổn định hơn; vào năm 2020, Hội LHPN phường Nhà Mát đã thành lập tổ phụ nữ vá lưới thuộc chi hội phụ nữ khóm Bờ Tây với 47 thành viên.

Chỉ sau một thời gian ngắn được thành lập, tổ phụ nữ vá lưới đã phát huy được hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, cuộc sống của các thành viên trong tổ cũng nhờ đó mà ngày càng được cải thiện.

Chị Trịnh Thị Cẩm Nhung - thành viên tổ vá lưới cho biết, trước đây, gia đình chị thuộc hộ cận nghèo. Công việc của hai vợ chồng bấp bênh, thu nhập lúc có lúc không nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Sau khi tham gia vào tổ, chị có thu nhập thường xuyên với mức từ 80.000-100.000 đồng/ngày, cộng thêm tiền làm thuê của chồng nữa nên cuộc sống vì thế mà cải thiện, kinh tế ổn định hơn trước rất nhiều.

Hội viên, phụ nữ ven biển thoát nghèo từ nghề vá lưới - Ảnh 1.

Công việc đan lưới phù hợp với phụ nữ ven biển

Một thành viên khác là chị Mai Bé Nhanh cho hay cuộc sống cũng từng bước được cải thiện, ổn định hơn khi tham gia vào tổ phụ nữ vá lưới. Theo chị Nhanh, công việc vá lưới cũng không quá vất vả, bản thân chị cũng có thể đem lưới về nhà ở vá. Do vậy, cũng có tận dụng thời gian để làm một số công việc gia đình, cũng như chăm sóc con cái.  "Thu nhập từ nghề làm thuê của chồng và nghề vá lưới của tôi đã giúp gia đình tôi vượt qua cảnh thiếu thốn", chị Nhanh chia sẻ.

Theo Hội LHPN phường Nhà Mát, khi chưa có tổ phụ nữ vá lưới thì các hội viên, phụ nữ phải tự tìm kiếm chủ lưới để làm. Do vậy công việc không thường xuyên, thu nhập không đảm bảo, thậm chí còn bị ép giá. Tuy nhiên, từ khi tổ được thành lập, tổ trường sẽ có trách nhiệm làm đầu mối, liên hệ với các chủ lưới nhận và phân chia công việc cho các thành viên trong tổ thực hiện. Vì thế các chị đều có thu nhập mỗi ngày, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ tại địa phương.

Hội viên, phụ nữ ven biển thoát nghèo từ nghề vá lưới - Ảnh 2.

Công việc đan lứoi, lá lưới giúp em có thu nhập ổn định

Kinh tế ngày càng được cải thiện

Được thành lập từ nhiều năm qua, tổ phụ nữ đan lưới tại phường 1 (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cũng đã phát huy được hiệu quả. Từ vài thành viên ban đầu, đến nay, tổ đã có hàng chục thành viên góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình cho nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Trung bình, mỗi thành viên có thể kiếm được từ 100.000-200.000 đồng/ngày.

Theo Hội LHPN phường 1 (thị xã Giá Rai), ưu điểm của tổ phụ nữ đan lưới là vừa tạo công ăn việc làm cho các thành viên, vừa giúp chị em phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, góp phần thu hút chị em tham gia hoạt động Hội, thực hiện có hiệu quả phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ và công tác giảm nghèo tại địa phương.

Hội viên, phụ nữ ven biển thoát nghèo từ nghề vá lưới - Ảnh 3.

Đời sống kinh tế của nhiều phụ nữ được cải thiện từ nghề đan, vá lưới

Thực tế, trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu đã thành lập, duy trì các mô hình sinh kế phù hợp với từng đối tượng phụ nữ và tình hình của địa phương. Qua đó, đã mang lại hiệu quả cao. 

Để giúp các thành viên tổ phụ nữ đan, vá lưới có điều kiện tăng thu nhập, góp phần phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở địa phương thì cũng rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các ban ngành, đơn vị trong việc tạo điều kiện để các thành viên trong tổ tiếp cận tốt hơn nguồn vốn vay, mua sắm thiết bị máy móc góp phần giảm thiểu sức lao động mà năng suất làm việc, thu nhập lại được tăng lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm