Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm giữ gìn bản sắc dân tộc,
giúp phụ nữ thoát nghèo
Những nét bản sắc thêu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Mông đang được tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng khôi phục lại, mở ra cơ hội cho chị em phụ nữ có cuộc sống khấm khá hơn.
Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được nhiều người biết đến với những sản phẩm chè nổi tiếng. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách. Tận dụng lợi thế phát triển du dịch của địa phương, tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm đã được thành lập, với mong muốn gìn giữ, khôi phục nghề thêu của người Mông và quảng bá, giới thiệu nét văn hóa riêng có này đến với cộng đồng và giúp phụ nữ tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.
PV báo PNVN đã có buổi trò chuyện với chị Giàng Thị Nhà, chủ tịch Hội LHPN xã Suối Giàng đồng thời là thành viên tích cực của tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng, để nghe chị chia sẻ về những hoạt động tuyên tuyền, hướng dẫn kỹ năng của Hội LHPN, của tổ hợp tác, góp phần mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thành viên, cho phụ nữ vùng cao.
+ Xin chào chị Giàng Thị Nhà, giúp chị em hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ khó khăn tự tin, vươn lên trong cuộc sống luôn là ưu tiên của các cấp hội phụ nữ. Hội LHPN xã Suối Giàng đã có những hoạt động gì để tạo động lực cho chị em phát triển kinh tế?
Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã đã giảm đi. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều hội viên, chị em phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập của các hộ gia đình chủ yếu là từ các công việc làm nông như trồng chè, thu hái chè, trồng ngô, làm ruộng… với mức thu nhập bình quân khoảng 25 triệu/năm.
Được sự phân công của Đảng ủy xã, Hội LHPN xã Suối Giàng đã có nhiều biện pháp để giúp đỡ các hộ nghèo. Tiêu biểu như các chương trình tuyên tuyền vận động và giúp đỡ hộ nghèo bằng các phối hợp với trunm tâm khuyến nông hướng dẫn chị em các kiến thức trong phát triển nông nghiệp như: kỹ thuật chăn nuôi lợn gà, trồng trọt, làm nương… Từ đó, chị em có thể áp dụng vào công việc hàng ngày của mình để nâng cao năng suất và chất lượng của các loại nông sản.
Chúng tôi cũng xin các chương trình hỗ trợ sinh kế như tặng cây, con giống… cho các gia đình, hội viên phụ nữ nghèo và hỗ trợ các chị bằng cách giúp ngày công… Từ đó, nhiều chị em đã có động lực để vươn lên trong cuộc sống.
+ Chị có thể ví dụ một trường hợp phụ nữ thoát nghèo tiêu biểu tại địa phương?
Tôi xin chia sẻ câu chuyện của chị Vàng Thị Xá, sinh năm 1987, người dân tộc Mông. Cuộc sống của chị Xá rất vất vả, chỉ trông vào làm nương, làm ruộng để nuôi hai con ăn học. Được vận động tham gia các lớp học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, và hỗ trợ dành cho hộ nghèo, chị Xá đã nỗ lực, chăm chỉ làm ăn.
Gia đình chị Vàng Thị Xá thoát nghèo từ năm 2021
Năm 2021 chị đã thoát nghèo. Hiện nay, chúng tôi cũng vận động chị tham gia tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng. Với những kỹ thuật thêu có sẵn, chị Xá có thể nhận thêu các sản phẩm như túi xách, túi đeo điện thoại… về để thêu những lúc rảnh rỗi, sau thời gian làm nông, để có thêm thu nhập.
+ Chị vừa nhắc đến tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng, vậy tổ hợp tác hoạt động như thế nào? Mong muốn các chị gửi gắm khi thành lập tổ hợp tác?
Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng tuy mới thành lập nhưng chúng tôi mong muốn đây là địa chỉ để các hội viên phụ nữ sinh hoạt, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người Mông xã Suối Giàng thông qua các hoạt động như nhuộm chàm, dệt vải… Đây là những nét văn hóa truyền thống nhưng hiện nay thế hệ trẻ không sử dụng, nên nghề nhuộm, nghề thêu đang mất dần. Tổ hợp tác đang khôi phục, bảo tồn lại những nét văn hóa truyền thống đó.
Hiện nay, tổ hợp tác cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc vận động các cụ, các bà truyền nghề lại cho thế hệ trẻ. Nguyên nhân là do những thế hệ trước am hiểu về nghề nhuộm chàm, dệt vải, thêu nhưng thời gian gần đây, mọi người thường mặc vải in cho tiện, nên nhiều người cho rằng, không cần phải nhớ, phải dạy nghề thêu tay truyền thống nữa, nên họ cũng chưa dành thời gian và tâm huyết để truyền dạy.
Chúng tôi phải thuyết phục để các cụ còn nhớ kỹ thuật giúp đỡ, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Mặt khác, chúng tôi cũng tuyên truyền đến tận thôn bản, nói với các chị em không nên bỏ nghề thêu, cần phải gìn giữ nghề, giữ những nét hoa văn truyền thống của dân tộc.
+ Các chị đã có những "bí quyết" gì để thuyết phục chị em quay lại với nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống?
Chúng tôi thuyết phục chị em bằng cách đổi mới trong chính sản phẩm của tổ hợp tác. Tôi nói với chị em, thêu không chỉ dùng trên trang phục mặc hàng ngày, mà còn có thể áp dụng trong các sản phẩm hiện đại như túi xách, túi thời trang, túi đựng điện thoạt, khăn trải bàn, lót cốc, túi đựng bút, gối ôm, gối ngủ… Đây là những sản phẩm được du khách yêu thích, có thể bán và có thu nhập. Một số chị đã hiểu ra và đang giúp khôi phục nghề truyền thống.
Các sản phẩm của tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Suối Giàng
Chúng tôi cũng thường xuyên lên mạng để tìm tòi, xem các hướng dẫn may sản phẩm để làm theo. Khi có sản phẩm làm ra, chúng tôi chụp ảnh và giới thiệu, quảng bá trên trang cá nhân hoặc nhờ Hội phụ nữ chia sẻ trên trang của các Hội, để du khách biết đến qua đó góp phần giới thiệu, góp phần phục vụ du lịch tại địa phương.
Chị Giàng Thị Nhà giới thiệu sản phẩm của tổ hợp tác
+ Chị có mong muốn, đề xuất gì để tổ hợp tác ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thành viên trong tổ, cũng như chị em phụ nữ tại địa phương?
Tôi mong sẽ có những lớp hướng dẫn kiến thức, kỹ năng để chị em có thể theo học, để sản phẩm làm ra được tinh tế hơn; mong được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa, để bán được nhiều sản phẩm hơn, giúp tăng thu nhập cho các chị em phụ nữ.
+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.