Quảng Ngãi: Hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số

PV
24/11/2022 - 15:08
Quảng Ngãi: Hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mô hình trồng bưởi da xanh của chị Nguyễn Thị Tâm, hội viên phụ nữ xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi

Dù đời sống nhân dân và hội viên, phụ nữ ngày càng được nâng lên và hướng đến mục tiêu “không để phụ nữ DTTS bị bỏ lại phía sau”, tuy nhiên cơ hội cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp tiếp cận với các chuyên gia, tư vấn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức hội viên khởi nghiệp và tiếp cận thị trường hạn chế.

Theo bà Phạm Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi, đến nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có khu Văn phòng hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Vườn ươm khởi nghiệp nên cơ hội cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp tiếp cận với các chuyên gia, tư vấn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức hội viên khởi nghiệp và tiếp cận thị trường hạn chế. Vì thế, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng với nhiều thị trường, chỉ kết nối ở thị trường nhỏ, chưa giới thiệu được nhiều sản phẩm ra ngoài tỉnh.

Quảng Ngãi: Hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Người dân huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) với nghề dệt thổ cẩm

Việc phát hiện, tìm kiếm ý tưởng của hội viên, phụ nữ ở cơ sở còn ít và nội dung sơ sài nên rất khó trong việc chọn sơ loại ý tưởng. Một bộ phận nhỏ chị em còn có tư tưởng tự ti, chưa mạnh dạn trong khởi nghiệp. Mặt khác, còn thiếu kiến thức về kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nguồn lực vật chất để thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế.

Bà Phạm Thị Hồng Hải cho biết, từ thực trạng trên, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi luôn chú trọng, định hướng Hội LHPN các huyện miền núi căn cứ điều kiện, thực tiễn, đặc điểm văn hóa của từng địa phương để xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn, từ đó phát triển kinh tế hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Đến nay, các cấp Hội của 5 huyện miền núi đã xây dựng 29 tổ liên kết/tổ hợp tác, có 439 thành viên tham gia và xây dựng 8 Hợp tác xã, có 85 thành viên tham gia. Nhiều hợp tác xã do phụ nữ tham gia hoạt động hiệu quả như Hợp tác xã Sơn Liên - Sơn Tây, Hợp tác xã Cao Muôn (huyện BaTơ)… Mô hình tổ hợp tác như: Tổ hợp tác nấu đám tiệc, mô hình làm chổi đót, hàng thủ công mỹ nghệ bằng quế và tinh dầu quế… tại huyện Ba Tơ, Trà Bồng… Các mô hình này được thành lập đã phát huy, tạo được việc làm cho hàng trăm lao động nữ với mức thu nhập ổn định từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng.

Quảng Ngãi: Hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của hội viên phụ nữ xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành

Các mô hình kinh tế, dịch vụ được triển khai thực hiện và quản lý, qua đó đã tạo ra việc làm tại chỗ và mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ nghèo và cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Thu nhập từ chính các mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện và quản lý đã giúp cho các hộ gia đình của hội viên có thêm nguồn tài chính để trang trải cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương.

Để có thể hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến các nhóm của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như để xây dựng phong trào phụ nữ của các huyện miền núi phát triển bền vững, tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển trong thời gian tới, theo bà Phạm Thị Hồng Hải, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các cá nhân, tập thể hiện thực hóa các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh; hướng dẫn để các cá nhân, tập thể hoàn thiện ý tưởng và triển khai thực hiện các ý tưởng/kế hoạch kinh doanh tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Quảng Ngãi: Hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Hội viên phụ nữ huyện Sơn Tây tham gia dọn vệ sinh môi trường

Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ hỗ trợ phụ nữ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình hợp tác xã phải theo chuỗi giá trị nhằm tập hợp nhiều hội viên, phụ nữ là các thành viên của HTX có quy mô sản xuất nhỏ thành quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh và đàm phán trên thị trường, góp phần hình thành những vùng nguyên liệu ổn định, quy mô sản lượng cao, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đặc biệt, thay đổi những điểm yếu của hội viên là nông dân ở vùng miền núi như tập quán sản xuất nhỏ lẻ, quy trình canh tác tự do, khả năng hợp tác yếu, chậm thay đổi quy trình - công nghệ sản xuất, ít cập nhật thông tin thị trường... Bên cạnh đó, thành lập các tổ hợp tác do nữ quản lý và xây dựng nhiều mô hình, tổ nhóm sinh kế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh.

Đặc biệt, bà Phạm Thị Hồng Hải cho biết, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khả thi, hỗ trợ tiếp cận tín dụng của quỹ tín dụng trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết việc làm từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các ý tưởng đủ điều kiện; hỗ trợ các doanh nghiệp nữ ứng dụng công nghệ số, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm