Những phụ nữ dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển kinh tế

Linh Trần
24/11/2022 - 07:36
Những phụ nữ dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển kinh tế

Cốm Bắc Hà gắn với du lịch cộng đồng

Với sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ Bắc Hà (Lào Cai) và chính quyền địa phương, nhiều chị em đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư sản xuất, khai thác thế mạnh của địa phương. Nhờ đó, một số chị em đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng thành công một số mô hình kinh tế, với những sản phẩm tiêu biểu. Trong đó, đi đầu là những phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số với mong muốn chắp cánh thương hiệu nông sản địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định nâng cao đời sống người dân.

Mận tam hóa sấy dẻo của cô gái dân tộc Phù Lá

Chị Sải Thị Bích Huế (SN 1989, dân tộc Phù Lá, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà) được nhiều người dân trong xã biết tới. Bởi, chị là người đi đầu trong việc phát triển kinh tế đưa thương hiệu nông sản vùng cao Bắc Hà "bay xa" với sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo và chè shan tuyết cổ thụ. Trong đó, sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ được đánh giá cao hơn cả.

Những phụ nữ dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Chị Sải Thị Bích Huế giới thiệu sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo

Chè Shan tuyết cổ thụ Bắc Hà vốn nổi tiếng lâu nay, nhưng nhược điểm lớn nhất là chưa có sản phẩm được chế biến, thương hiệu, tem, nhãn... thị trường tiêu thụ, giá thành thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế hạn chế. Với mong muốn giải quyết đầu ra cho ổn định cho sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, quảng bá đặc sản, chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc Hợp tác xã Quang Tôm đã quyết định tập trung cho mảng này. Chị Huế cho biết, bản thân đã nhận thấy rằng, những cây chè ở đây rất có giá trị mà chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm ocop để giúp bảo tồn phát huy giá trị của sản phẩm Chè Shan tuyết, giúp đời sống đồng bào được nâng cao.

Theo đó, Hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân có chè Shan trên địa bàn, nhất là ở vùng chè Shan tuyết cổ thụ xã Tả Củ Tỷ để thu mua chè tươi, rồi hướng dẫn bà con chăm sóc thu hái đúng kỹ thuật. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của Hợp tác xã đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc "3 không", gồm: Không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp. 

Trong quá trình sản xuất, chị luôn luôn đặt ra mục tiêu đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để cho ra thành phẩm những sản phẩm chè Shan tuyết có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, hướng đến mục tiêu vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái. 

Những phụ nữ dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Người dân Bắc Hà làm cốm

Hiện nay, Hợp tác xã đã xây dựng thành công và được công nhận sản phẩm ocop tiêu chuẩn 3 sao, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhất là Hồng Trà, bạch Trà, chè đen được người tiêu dùng Hà Nội, Sài Gòn, thành phố Lào Cai ưa chuộng.

Anh Hàng Seo Của (thôn Sỉn Chồ, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà) còn hơn 400 gốc chè shan tuyết từ nhiều đời trước để lại. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của chị Huế, búp chè tươi được thương lái đến tận nơi mua với giá đầu vụ 60 ngàn đồng/kg, chính vụ từ 45- 60 ngàn đồng/kg, cao gấp 6-7 lần so với giá búp chè tươi thường. Trung bình mỗi năm, gia đình thu trên 10 triệu đồng từ bán chè búp tươi. Đặc biệt, trong năm 2022 này tiêu thụ dễ, giá cao khi có sự kiện festival và Hợp tác xã Quang Tôm thu mua. 

Hiện toàn huyện Bắc Hà còn khoảng 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ, giờ đây được đồng bào Mông, Tày, Nùng xã vùng cao như Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền bảo vệ, gìn giữ. Đặc biệt, mấy năm gần đây, những vườn, đồi chè Shan tuyết cổ thụ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình khám phá miền "Cao nguyên trắng" Bắc Hà thơ mộng. Bên cạnh đó toàn huyện còn có gần 700 ha chè Shan tuyết hữu cơ tập trung chủ yếu ở các xã Bản Liền, tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Tả Văn Chư, Hoàng Thu Phố...

Những phụ nữ dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Người dân Bắc Hà thu hoạch lúa nếp

Theo chị Huế, trong thời gian tới, cùng với sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, Hợp tác xã đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu toàn bộ búp chè tươi cho bà con. Đồng thời, hiện đại hóa trang thiết bị, tích cực quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ vươn ra thị trường trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.

Xây dựng thương hiệu cốm Bắc Hà

Với ý tưởng phát triển nghề làm cốm truyền thống gắn với kinh doanh du lịch Bắc Hà, chị Lù Thị Tươi (SN 1989, dân tộc Tày, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, Lào Cai) đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cốm Bắc Hà.

Những phụ nữ dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Nông dân thu hoạch búp chè shan tuyết cổ thụ

Năm 2021, chị Lù Thị Tươi đã hoàn thiện các thủ tục để sản phẩm cốm và khẩu rang được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác rõ ràng, được cấp mã QR; thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cốm.

Chị Tươi chia sẻ, để làm ra đặc sản cốm Bắc Hà, gia đình chị đã lựa chọn những hạt lúa nếp đảm bảo về độ dẻo, thơm. Chọn những bông lúa đúng thời điểm để làm cốm dựa theo kinh nghiệm từ xa xưa truyền lại, sau đó tuốt hạt sạch sẽ, đem ngâm nước để loại bỏ những hạt lép, hạt hỏng. Khi rang cốm, lửa phải vừa đủ, không to mà cũng không nhỏ. Rang đều tay, không để hạt chín, hạt sượng và rang đến khi thấy mùi nếp dậy thì chín. "Sản phẩm của chúng tôi nói không với chất bảo quản, chất hóa học tạo ngọt, tạo màu. Sản phẩm hướng tới đáp ứng mọi lứa tuổi, đặc biệt là khách hàng ở các thành phố lớn. Chúng tôi tập trung xây dựng chất lượng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm của khách hàng tới sản phẩm", chị Tươi chia sẻ.

Những phụ nữ dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Chị Lù Thị Tươi với sản phẩm cốm Bắc Hà

Năm 2021, sản phẩm cốm - khẩu rang của cơ sở chị Tươi được công nhận sản phẩm ocop 3 sao cấp tỉnh - mở ra cơ hội mới phát triển thương hiệu này. Hiện, chị Tươi đang nỗ lực tiếp cận các thị trường tiềm năng như quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội: facebook, tiktok, zalo, các sàn thương mại điện tử và trưng bày sản phẩm tại các hội chợ nhằm bán và giới thiệu đến khách tham quan. Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối nhằm mở rộng thị trường.

Với việc phát triển đặc sản cốm và khẩu rang, chị Lù Thị Tươi đã tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng. Đồng thời giúp cho người dân trong thôn thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng sản xuất hàng hóa, vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân tại địa phương, hạn chế tình trạng người dân đi lao động thuê xa nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm