pnvnonline@phunuvietnam.vn
An Giang: Nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo hiệu quả
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến (bìa trái) thăm tổ phụ nữ đan đệm bàn trên địa bàn xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn
Bà Nguyễn Thị Quyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang - cho biết, trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến các chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống gắn với phong trào Hội LHPN phát động như: "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững","Giúp hộ phụ nữ nghèo có địa chỉ", Cuộc vận động "Xây dựng"Gia đình 5 không, 3 sạch"… tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội.
Qua đó đã khơi dậy tính chủ động vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau vượt qua khó khăn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Kết quả, đã tổ chức được 6.225 cuộc với hơn 149.400 lượt hội viên phụ nữ tham dự. Bà Nguyễn Thị Quyến đã có cuộc trao đổi với PV Báo PNVN xung quanh vấn đề này:
- Tình hình hội viên phụ nữ là hộ nghèo, chủ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quyến: Hai năm qua (2020-2021), tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trong tỉnh nói chung và hội viên, phụ nữ là hộ nghèo là chủ hộ nói riêng.
Từ đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xã hội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh dần khôi phục và phát triển. Tuy nhiên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao như xăng, dầu, vật tư nông nghiệp, xây dựng… đẩy chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng lên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp giảm đơn hàng, quy mô sản xuất dần thu hẹp ảnh hưởng việc làm, thu nhập của người lao động thậm chí là mất việc. Giá cả hàng hóa tiêu dùng hàng ngày tăng ảnh hưởng đến hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Để cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt việc khôi phục kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Vận động hội viên, phụ nữ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là xây dựng kế hoạch giúp hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ hoặc lao động chính thông qua việc rà soát, nắm địa chỉ số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Xác định rõ nguyên nhân nghèo, phân công cán bộ Hội giúp đỡ theo từng nhóm đối tượng, nhu cầu từ đó vận động nguồn lực để hỗ trợ giúp thoát nghèo.
Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 16.558 hộ phụ nữ nghèo, trong đó có 6.317 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ (tỷ lệ 38%).
- Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã triển khai những hoạt động nổi bật gì để hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo? Kết quả đạt được cụ thể ra sao?
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp, khuyến nông, Hội nông dân, Phòng kinh tế - hạ tầng của huyện tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi giúp cho phụ nữ nông dân tiếp cận kiến thức mới để áp dụng vào sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả. Kết quả đã tổ chức được 906 lớp, với hơn 36.200 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham dự.
Ngoài ra, Hội LHPN các cấp trong tỉnh còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh… tổ chức 256 lớp, có gần 7.300 hội viên, sau học nghề có trên 80% phụ nữ có việc làm ổn định, với các nghề như: may công nghiệp, làm hoa vải, chầm nón lá, nuôi lươn, kỹ thuật làm vườn, làm bánh, đan giỏ lục bình, nylon… Phối hợp tư vấn, giới thiệu gần 30.000 lao động nữ vào làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ tư vấn xuất khẩu lao động cho 116 chị làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… góp phần cải thiện kinh tế gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chỉ đạo Hội LHPN các cấp thành lập các tổ, mô hình liên kết sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe gắn với mô hình tạo sinh kế cho phụ nữ thích ứng biến đổi khí hậu tại các địa phương trong tỉnh. Kết quả, thành lập mới 126 tổ, có gần 1.900 thành viên. Đồng thời, duy trì hoạt động của 148 các tổ, có hơn 1.700 thành viên, với thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/người/tháng, góp phần tạo việc làm ổn định, thu nhập cho hội viên, phụ nữ khu vực nông thôn.
Bên cạnh, Hội LHPN các cấp tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xả hôi, ngân hàng Agribank, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế… để hỗ trợ phụ nữ nghèo có nguồn vốn đầu tư khôi phục sản xuất, mua bán nhỏ, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình với số tiền 1.260 tỷ đồng, với gần 49.000 hộ hội viên, phụ nữ tiếp cận vốn.
Đồng thời, phát huy nội lực của Hội từ các mô hình tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, tổ hùn vốn xoay vòng, tiết kiệm mua cổ phần giúp vốn phát triển kinh tế phát huy hiệu quả. Đến nay, thành lập mới và duy trì được 755 tổ, có hơn 4.300 thành viên tham gia tiết kiệm, qua đó đã hỗ trợ vốn cho 1.409 chị, số tiền hơn 9,1 tỷ.
Từ các hoạt động trên, đến nay tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo giảm. Cụ thể, năm 2018 có 11.935 hộ phụ nữ nghèo là lao động chính; năm 2021 giảm còn 6.317 hộ (trung bình giảm 10,6%/năm), góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,24% năm 2018 xuống còn 3,81% năm 2021.
- Được biết, trong thời gian qua, Cuộc vận động xây dựng "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo được Hội triển khai sâu rộng? Vậy kết quả thực hiện của Cuộc vận động này thế nào?
Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng, triển khai Cuộc vận động xây dựng "Mái ấm tình thương" hỗ trợ hội viên, phụ nữ khó khăn về nhà ở do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động.
Qua 5 năm, các cấp Hội đã phối hợp với Uỷ ban MTTQ, các ban ngành vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cất mới 482 "Mái ấm tình thương" với kinh phí hơn 22,3 tỷ đồng; tặng 11 căn nhà "Nghĩa tình phụ nữ" cho 11 Chi hội trưởng với số tiền 900 triệu đồng.
Ngoài ra, từ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" các cấp Hội đã trao tặng 9 căn nhà mái ấm biên cương cho hộ hội viên nghèo tuyến biên giới, tổng số tiền 420 triệu đồng.
- Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp trọng tâm nào để tiếp tục hỗ trợ hội viên thoát nghèo, góp phần nhiệm vụ giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh?
Để làm tốt công tác chăm lo cho phụ nữ nghèo, trong thời gian tới, LHPN tỉnh An Giang sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động hỗ trợ hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức: giúp kiến thức, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi... tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.
Rà soát, lập danh sách hộ phụ nữ nghèo, hộ phụ nữ cận nghèo. Qua đó xác định nguyên nhân nghèo, xây dựng kế hoạch phối hợp vận động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều.
Hỗ trợ xây dựng mô hình mới, nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế qua việc triển khai hiệu quả "Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" gắn với các chương trình, đề án hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh.
Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, của Hội để hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhiệm vụ của Hội và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang.
- Xin cảm ơn bà!