Câu chuyện tình yêu 74 năm gắn liền với nạn phân biệt người gốc Á

21:15 | 18/05/2021;
Louis Moore, một người Mỹ gốc Hoa, đã phải lòng Nellie Hatsumi Maeda, một người Mỹ gốc Nhật, ở New York năm 1946. Họ kết hôn 10 ngày sau đó, viết nên câu chuyện tình yêu 74 năm gắn liền với nạn phân biệt người gốc Á.

Louis, 98 tuổi, đang chia sẻ rộng rãi câu chuyện tình yêu của mình vào thời điểm nhiều nơi gia tăng phân biệt chủng tộc với người châu Á trong đại dịch COVID-19. Ông hiện sống trong một cộng đồng hưu trí ở California, Mỹ và vừa xuất bản một cuốn hồi ký dài 78 trang kể về cuộc sống của ông cùng vợ mình, bà Nellie. Cuốn sách mang tên "External Love" (tạm dịch: "Tình yêu vĩnh cửu").

Nếu có bất cứ thứ gì mà thế giới cần, Louis cho rằng đó chính là tình yêu. Ông muốn thật nhiều người đọc quyển hồi ký về cuộc đời của ông và vợ, điều gắn liền với nạn phân biệt người Mỹ gốc Á.

Bonnie Navarro, người sáng lập tổ chức từ thiện dành cho cựu chiến binh Bombshell Betty's, cho biết các cựu chiến binh thế chiến thứ hai đang dần ra đi. "Rất nhiều câu chuyện này sẽ không còn được nghe nữa, và chúng sẽ biến mất".

Yêu từ cái nhìn đầu tiên

Lần đầu tiên Louis gặp Nellie là một ngày mùa xuân năm 1946, tại hộp đêm China Doll ở New York, khi Nellie làm vũ công biểu diễn ở đó. Louis không thể ngừng ngắm nhìn Nellie, cô gái với đôi mắt ngọt ngào. Luois trở về nhà, trăn trở hằng đêm, hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của mỹ nhân.

Thời điểm đó là lúc Chiến tranh thế giới vừa kết thúc. Năm đó, Louis 23 tuổi, mới xuất ngũ khỏi Lực lượng Không quân Lục quân Hoa Kỳ sau khi phục vụ ở châu Âu, và tận hưởng một đêm đi chơi với bố mẹ và em gái.

Nhiều tuần sau, Louis gặp lại Nellie tại một quán cà phê gần đó. Nellie mỉm cười khi Louis yêu cầu được ngồi cùng. Sau đó, họ cùng nhau đi dạo ở Công viên Trung tâm, cùng trò chuyện và tâm sự. Họ kết hôn 10 ngày sau đó, và tình yêu ấy kéo dài đến 74 năm.

Louis Moore

Louis Moore sinh ra ở San Francisco vào tháng 10/1922, là một người Mỹ gốc Hoa. Louis gia nhập Lực lượng Không quân Lục quân Hoa Kỳ, tiền thân của Lực lượng Không quân. Ông là một trong hơn 13.000 người Mỹ gốc Hoa đã phục vụ trong chiến tranh, theo Trung tâm Lịch sử Quân sự Hoa Kỳ.

Câu chuyện tình yêu 74 năm gắn liền với nạn phân biệt người gốc Á - Ảnh 1.

Người Mỹ gốc Hoa ở New York vui mừng trước tin Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8/1945. Ảnh: Getty Images

Louis chia sẻ thật không dễ dàng khi trở thành người lính Mỹ gốc Hoa trong quân đội. "Tôi là người phương Đông duy nhất trong số 100, 200 người đàn ông da trắng", Louis nói, "Tôi sợ rằng một trong số họ sẽ bắt tôi cho kẻ thù và giết tôi".

Louis xuất ngũ vào tháng 4/1946. Nhưng cuộc đời của ông chỉ thực sự bắt đầu khi gặp Nellie trong quán cà phê vào ngày 1/6 năm đó. "Tôi đã không hôn cô ấy cho đến ngày thứ hai. Tôi đã phải đợi lâu như vậy", ông nói.

Nellie Hatsumi Maeda

Vợ Louis, bà Nellie Hatsumi Maeda là một người Mỹ gốc Nhật đến từ California. Là con gái của những người nhập cư Nhật Bản, Nellie sinh ra ở Fresno vào năm 1922 và lớn lên ở Visalia. Cha mẹ Nellie thuộc tầng lớp nông dân.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, gia đình Nellie đã được đưa đến một nhà tù ở Arizona. Khi gia đình được trả tự do, Nellie đến New York tìm việc làm. Đầu tiên cô làm bảo mẫu, sau đó làm vũ công tại China Doll.

Nhiều trắc trở trong hôn nhân

Cha mẹ Louis đã rất tức giận khi ông kết hôn với một phụ nữ Mỹ gốc Nhật. Sau khi bị đuổi ra khỏi nhà, Louis cùng Nellie chuyển đến miền nam California, nơi gia đình Nellie sinh sống. Ông lo ngại bố mẹ bà cũng sẽ xa lánh họ.

"Đột nhiên, một người phụ nữ bước vào và bước đi như một chiến binh"- ông viết trong cuốn sách của mình, mô tả cuộc gặp gỡ mẹ vợ. Bà ấy "nhìn tôi chằm chằm rất lâu. Cuối cùng, bà ấy cũng nở nụ cười, sau đó chúng tôi ôm nhau".

Câu chuyện tình yêu 74 năm gắn liền với nạn phân biệt người gốc Á - Ảnh 2.

Louis Moore và vợ, Nellie. Ảnh: Louis Moore

Trong nhiều năm, Louis và vợ tuy cuộc sống không mấy khá giả nhưng rất hạnh phúc. Họ làm việc chăm chỉ tại nhà hàng và tại một nhà máy sản xuất máy thu sóng truyền hình.

Đến cuối những năm 1950, cả hai tiết kiệm đủ tiền để mua nhà. Họ tìm thấy một nơi phù hợp trong dự án phát triển nhà ở mới ở Thung lũng San Fernando, nhưng lo lắng rằng sẽ không mua được nhà vì mọi người thường không bán nhà cho người châu Á, Louis viết.

Vì vậy, một người bạn da trắng là bạn của Nellie đã giúp mua căn nhà và bán lại cho họ. Tuy nhiên, hàng xóm vẫn gây khó khăn cho họ, muốn họ rời đi chỉ vì họ là người châu Á.

Hai vợ chồng sống một thời gian ở Washington, nơi họ mở một nhà hàng Trung Quốc, sau đó trở về Los Angeles để gần gia đình. Nellie từng làm giám đốc nhân sự tại một công ty kỹ thuật, còn Louis làm tư vấn quản lý.

Tình yêu lúc cuối đời

Louis nói rằng ông và vợ không bao giờ tranh cãi. Ông nói lời yêu với vợ hàng ngày, và khi ký tên của họ, ông luôn viết Nellie đầu tiên.

Nellie đã chuyển đến viện dưỡng lão khoảng sáu năm trước, khi bà bị mắc chứng mất trí. Ông đến thăm vợ mỗi ngày cho đến khi đại dịch khiến các cơ sở chăm sóc đóng cửa và hạn chế người thân vào thăm. Mỗi tháng ông đều đến ngồi bên ngoài cửa sổ và ngắm nhìn khuôn mặt bà một lần. Louis gọi cho vợ mình mỗi ngày để nói rằng ông rất nhớ bà.

Câu chuyện tình yêu 74 năm gắn liền với nạn phân biệt người gốc Á - Ảnh 3.

Louis Moore, 98 tuổi, cựu chiến binh người Mỹ gốc Hoa trong Thế chiến II, chào mừng lễ trao cờ của Thủy quân lục chiến trẻ Quartz Hill, trước khi tổ chức sự kiện ký tặng sách. Ảnh: Los Angeles Times

Ông Louis đã bắt đầu viết cuốn "External Love" vào mùa hè năm ngoái. Do tay của ông bị yếu nên ông Stacy Alvey, một người bạn của Louis từ thị trấn Quartz Hill gần đó, cứ vài ngày lại đến căn hộ của ông để chép lại những câu chuyện. Alvey nói: "Ban đầu tôi cũng do dự vì COVID-19, nhưng tôi biết ông ấy cô đơn vì vợ ông đang ở trung tâm chăm sóc. "Chúng tôi đeo khẩu trang, và ngồi cách xa nhau."

Louis muốn Nellie trở về nhà. "Tôi muốn hoàn thành cuốn sách. Tôi muốn cô ấy và tôi ngồi ở nhà, trên chiếc ghế dài, gác chân lên bàn, tay trong tay cầm cuốn sách và đọc cho nhau nghe. Nhưng điều đó đã không xảy ra".

Nellie qua đời vào tháng 10 năm ngoái, khi đã 98 tuổi. Louis vội vã đến viện dưỡng lão để gặp vợ lần cuối. Khi ông nghiêng người qua cơ thể bà, ông nhìn thấy đôi mắt ngấn lệ và hét lên rằng Nellie vẫn còn sống. Nhưng thực ra đó là nước mắt của Louis đã rơi vào khóe mắt vợ mình.

"Tôi phải viết đoạn kết sau khi cô ấy qua đời. Tôi đã phải viết cáo phó. Điều mà tôi rất ghét", Louis nói.

Nellie được hỏa táng, và Louis cũng muốn như vậy. Ông muốn tro cốt của họ được hòa lẫn để có thể ở bên nhau một lần nữa.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn