Cha mẹ cần làm gì để biết con bị bắt nạt trên mạng?

18:00 | 06/04/2021;
Khi lĩnh vực kỹ thuật số ngày càng phát triển, tình trạng bạo lực trên mạng xảy ra ở đối tượng thanh thiếu niên ngày càng tăng.

Hành vi bắt nạt này bao gồm: Đăng tin đồn, đe dọa công kích cá nhân, quấy rối, tung thông tin cá nhân và dùng từ ngữ thù ghét dán nhãn cho đối tượng. Những hành vi bắt nạt này được lặp đi lặp lại, gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân, khiến nạn nhân gia tăng cảm xúc tiêu cực, lo lắng, bất an, có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.

Mấy năm trước, Bùi Q.H, học sinh một trường THCS tại Yên Bái, sau khi đi học về đã bị một nhóm thanh niên chặn lại ở cổng trường, đánh liên tiếp bằng gậy cao su, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trước sự chứng kiến của nhiều bạn trong trường. Chưa dừng lại ở đó, clip em bị đánh được tung lên mạng. H. bị chẩn đoán chấn động não và tổn thương nặng nề về tâm lý. Sau khi về nhà, em cảm thấy xấu hổ vì nhiều người nhìn thấy mình quỳ gối. Khi thấy clip mình bị đánh được phát tán lên mạng, em đã treo cổ tự tử.

Những trường hợp khác bị bạn bè nói xấu, đăng tin đồn, đe dọa trên mạng. Ở tuổi của các em, những việc đó gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Nhiều em lo sợ, mất ăn mất ngủ, sợ đi học, lúc nào cũng ở tình trạng căng thẳng...

Không phải trẻ nào cũng kể cho cha mẹ nghe về chuyện chúng đang bị bắt nạt. Thậm chí, trẻ không biết những hành vi đó là hành vi bắt nạt trên mạng. Do đó, cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu rõ hơn về cách ứng xử văn minh và dấu hiệu của bắt nạt trên mạng để trẻ có thể báo ngay cho cha mẹ. Cụ thể: Có ai đó lan truyền tin đồn về con, dùng hình ảnh con làm ảnh đại diện của họ và tự nhận là con, hoặc ai đó gửi tin nhắn chửi bới, trách mắng con về những chuyện con không làm...

Cũng có trường hợp, trẻ biết rằng bản thân đang bị bắt nạt trên mạng và trẻ bối rối khi không biết giải quyết tình huống này như thế nào. Trẻ nghĩ, thay vì nói với bố mẹ hoặc kể cho bạn bè nghe, trẻ quyết định im lặng và tự tìm cách xử lý. Trẻ lo sợ nếu mình lên tiếng, những kẻ bắt nạt có thể làm ra chuyện kinh khủng hơn. Thậm chí, có em còn nghĩ mình đang có được sự chú ý, dù là tiêu cực, còn hơn là không ai để ý đến mình.

Nếu bạo lực trên mạng không được ngăn chặn kịp thời trẻ có nguy cơ cao bị trầm cảm, những bệnh tâm thần. Nếu cha mẹ làm ngơ trước việc trẻ đang bị tổn thương bởi bạo lực trên mạng, trẻ sẽ dần mất tập trung vào chuyện học ở trường và sao nhãng việc hoàn thành bài tập. Vì thế, cha mẹ hãy trò chuyện cởi mở với con.

Nếu trẻ chưa sẵn sàng kể cho cha mẹ, hãy bảo trẻ rằng cha mẹ sẽ thực hiện quyền kiểm soát bằng cách đọc những tin nhắn để biết con đang nói chuyện với ai. Khi biết con là nạn nhân của bạo lực trên mạng, cha mẹ và trẻ có thể cùng thử nói cho kẻ bắt nạt biết rằng cha mẹ đã biết được chuyện gì đang xảy ra.

Nếu việc bắt nạt vẫn diễn ra và nghiêm trọng hơn, cha mẹ nên cân nhắc thực hiện các biện pháp mạnh hơn như trò chuyện trực tiếp với cha mẹ của đứa trẻ bắt nạt. Hãy cho phụ huynh đó biết những gì đang xảy ra cùng với bằng chứng thu được trên thiết bị điện tử và nói về hậu quả mà con của mình đang phải chịu đựng.

Cha mẹ có thể trao đổi với thầy cô tư vấn trong trường, thầy cô chủ nhiệm hoặc thầy cô hiệu trưởng về vấn đề này, cùng lúc với việc trao đổi với phụ huynh của học sinh bắt nạt. Khi các cách trên không hiệu quả, cha mẹ hãy lưu giữ bằng chứng, chuẩn bị giấy tờ và đem đến trình diện cơ quan chức năng.

Sức "công phá" của bắt nạt qua mạng

Đôi khi, nạn nhân của bắt nạt qua mạng không biết danh tính của những kẻ bắt nạt mình hoặc vì sao những kẻ đó lại nhắm vào mình.

Sự quấy rối, bắt nạt qua mạng được lan tỏa và chia sẻ rộng rãi hơn nhiều, khó được kiểm soát.

Nạn nhân luôn phải tiếp xúc với những sự quấy rối này bất cứ khi nào họ lên mạng hoặc mở điện thoại, máy tính để kiểm tra tin nhắn, thư điện tử....

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn