Chỉ còn 27/237 chợ truyền thống tại TPHCM hoạt động

18:48 | 30/07/2021;
Đến ngày 30/7, chỉ còn 27/237 chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM còn hoạt động. Số chợ đang hoạt động chủ yếu ở các vùng ven, còn chợ trong nội thành hầu như đã ngưng hoạt động. Khi các chợ ngưng hoạt động, áp lực mua sắm hàng hóa của người dân sẽ dồn lên hệ thống phân phối hiện đại.

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết tại cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố chiều 30/7.

Theo ông Phương, hiện nay, nguồn hàng ở các địa phương rất dồi dào, có nhiều nông sản cần phải tiêu thụ do bước vào mùa thu hoạch. Việc vận chuyển hàng hóa về thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Về vấn đề này, các bộ ngành cũng đã có chỉ đạo, thống nhất để việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh được thuận lợi hơn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố khẳng định, lượng hàng về TPHCM không thiếu. Vấn đề là các kênh phân phối, điểm bán có đáp ứng được nhu cầu hay không?

"Trước đây, các hệ thống phân phối hiện đại hoạt động từ 6h đến 22h, có đơn vị tăng thời gian bán hàng lên 0h. Với yêu cầu mới, các hệ thống này chỉ còn hoạt động từ 5h đến 17h. Thời gian mua sắm của người dân ngắn lại, số lượng điểm bán giảm xuống. Do đó, việc đưa hàng hóa tới người dân gặp khó khăn hơn rất nhiều. Ở một số địa bàn có dân cư đông nhưng ít siêu thị, việc cung ứng càng khó khăn hơn nữa", ông Phương nhấn mạnh.

Để giải bài toán cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân, Sở Công Thương đã đề xuất một số giải pháp. Trong đó tăng cường, xây dựng phương án để mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống, thiết yếu tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động với điều kiện phương án này được xem xét kỹ, đảm bảo an toàn.

Chỉ còn 27 chợ truyền thống tại TPHCM hoạt động - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị

Bên cạnh đó, có thể tổ chức điểm bán ở khu vực lân cận các chợ truyền thống không tổ chức được điểm bán. Địa phương sẽ hỗ trợ, kể cả việc sử dụng tiểu thương các chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động để tham gia vào việc bán hàng. Sở Công thương sẽ hỗ trợ, giới thiệu nguồn hàng để các địa phương cung ứng cho người dân.

Đồng thời, tăng cường lượng hàng hóa cung ứng ở các điểm bán hiện nay. Sở Công Thương đề nghị các quận huyện chủ động sử dụng các phương tiện của mình để nhận hàng từ các điểm cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối đưa về bổ sung kịp thời cho người dân.

Chuyển đổi phương thức bán hàng bằng cách người dân sẽ mua hàng trước thông qua giỏ hàng. Ngoài ra, tổ chức bán hàng lưu động ở những địa bàn thực sự gặp khó khăn trong việc tiếp cận với hàng hóa.

Theo ông Phương, Sở Công Thương đã có văn bản gửi UBND TPHCM về số lượng shipper đăng ký tiêm vaccine; danh sách cũng đã được cập nhật và chuyển cho Sở Thông tin và Truyền thông, chuyển về các quận huyện để triển khai tiêm chủng.

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, sáng ngày 30/7, trong cuộc họp với Thường trực Chính phủ cũng như trong các buổi làm việc trước đó, thành phố cũng như đa số các tỉnh trong vùng đã có đề xuất, sau ngày 1/8  sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1-2 tuần.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn