Tôi thường đọc sách của một số nhà văn nữ mà mình yêu thích nhưng khi được đọc cuốn sách viết về trẻ tự kỷ, một đề tài khó mà nhà văn Kiều Bích Hậu đã triển khai, thì có cảm xúc rất đặc biệt! Trời là ta ở tột cùng nhân bản là một cuốn sách mà trong đó chứa đựng nhiều giá trị, nhiều tình người, tình yêu thương. Không phải riêng mình tôi mà tôi dám chắc, bất cứ ai đọc nó sẽ đều cảm thấy biết ơn hơn cuộc sống mình đang có.
Vì sao ư? Bởi qua cuốn sách, người ta sẽ hiểu thêm phần nào về cái gọi là "địa ngục trần gian" của những mảnh đời mang tên "tự kỷ". Hoặc là chính bản thân họ, hoặc là những ông bố, bà mẹ, gia đình, họ hàng người thân của những người trót sinh ra mang trong mình một thứ có tên gọi "tự kỷ" sẽ thấy thấm thía tận cùng cảm xúc về nỗi đau, sự bao dung chịu đựng, kiên nhẫn, đức hy sinh mà mình đã và đang trải qua nhưng chưa được gọi tên.
Đề tài tự kỷ thật ra ít được văn học quan tâm hay nói một cách chính xác là có quan tâm thì cũng không phải là điều dễ dàng mô tả. Thế mà qua bút pháp, qua tài năng của nhà văn Kiều Bích Hậu, chị đã làm câu chuyện thật hấp dẫn, đặc biệt chạm tới xúc cảm của những người ngày đêm trăn trở tìm ra phương pháp để có thể mang lại hiệu quả tích cực cho những phận đời kém may mắn này.
Nếu ai không có người thân tự kỷ thì đọc cuốn sách này sẽ mở mang thêm nhiều điều chưa từng biết đến. Để từ đó, biết ơn cuộc đời này, rằng mình đã may mắn hơn biết bao nhiêu số phận ngoài kia. Còn với những ai có người thân, con em mang trong mình khiếm khuyết này thì đọc những trang sách của chị sẽ bắt gặp đâu đó hình ảnh của chính mình, của người thân yêu đã từng trải qua tháng ngày đau thương đến xót xa quặn lòng.
Đi qua những trang sách từ Bí mật của chồng, Người lạ, Vượt qua… cho đến Vệt máu sẽ bắt gặp xúc cảm từ buồn bã, thất vọng, khổ đau, quằn quại đến rướm máu ri rỉ… Rồi thì cuối cùng lại nhìn thấy phía cuối là ánh sáng lấp lánh của niềm tin, hy vọng và an bình. Đâu đó những mảnh đời không may kia rồi sau cùng cũng tìm thấy điều tích cực để tâm hồn cũng được phần nào dỗ dành, vỗ về, an ủi về một niềm vui ở phía trước.
Tác giả đã cùng khóc, cùng cười, cùng tuyệt vọng rồi lại hồi sinh qua từng phận đời. Giá trị tuyệt vời của cuốn sách chính là sự nhân văn ở những cái kết từng câu chuyện của những mảnh đời. Tác giả hẳn là có một tâm hồn thánh thiện nên mới có thể viết ra từng khung cảnh, dẫn dắt độc giả trải nghiệm từ góc nhìn này qua góc nhìn khác sinh động đến thế. Tạo hóa đôi khi làm cho người ta phải nức nở, bởi không có sự lựa chọn nhưng người ta có thể lựa chọn cách ứng xử với nó. Sau tất cả, nhận ra rằng cuộc sống luôn có những biến cố xảy ra, tự kỷ là một trong những điều mà người ta không thể thay đổi. Điều quan trọng là ứng xử với nó ra sao mà thôi.
Tự kỷ mang lại khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho người thân và những người xung quanh nhưng đừng vì thế mà bi quan. Bằng tình yêu thương đủ lớn sẽ có thể tạo ra kỳ tích với những niềm vui khi ta nhìn nó bằng một nhãn quan khác. Từ thay đổi nhãn quan sẽ dẫn đến thay đổi hành vi, từ hành vi tích cực sẽ dẫn tới hạnh phúc tự tại. Biến thách thức thành cơ hội của sự kiên cường để rồi niềm vui, hạnh phúc cuối cùng sẽ ở lại bên ta!
Cảm ơn nhà văn Kiều Bích Hậu đã cho tôi được chiêm nghiệm về góc khuất của những mảnh đời mang tên Tự kỷ! Từ đáy trái tim, tôi biết ơn bội phần những người thân quanh mình, biết yêu thương những gì đang có ở thực tại – cảm ơn những câu chuyện về những phận người khác biệt trong cuốn sách này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn