Chấp nhận cuộc chơi
Sau 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, từ 6h sáng nay (21/9), Hà Nội chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ghi nhận của PV, trong sáng nay, các chốt kiểm soát giấy đi đường của người dân đã được gỡ bỏ. Lượng người đổ ra đường rất đông khiến nhiều tuyến phố tại Thủ đô trong tình trạng ùn ứ. Nhiều loại hình kinh doanh cũng đã được hoạt động trở lại khiến phố phường Hà Nội nhộn nhịp hơn. Nhìn chung, người dân đều tỏ ra phấn khởi khi Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 15. Tuy nhiên, một số người kinh doanh lại lo lắng hơn là lúc chưa được hoạt động.
Chị Trần Thị H. (chủ một quán phở trên phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm) cho biết, những ngày qua, Hà Nội đã liên tục có những biện pháp nới lỏng giãn cách để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, thúc đẩy kinh tế trở lại. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.
"Hà Nội hoạt động theo Chỉ thị 15 thì cũng tốt đấy. Nhưng với gia đình tôi thì thật sự là còn lo lắng hơn thời điểm đang thực hiện giãn cách. Vì giãn cách xã hội tôi còn được giảm 50% tiền mặt bằng. Nhưng bây giờ thì phải nộp đủ 100% tiền thuê mặt bằng, hôm qua chủ nhà vừa gọi điện thông báo rồi. Vài ngày qua, quán được mở bán mang về nhưng mỗi ngày chỉ bán được có chục bát, lãi chỉ đủ tiền ăn", chị H. chia sẻ.
Cũng theo chị H., mặt bằng chị thuê mỗi tháng là 20 triệu đồng, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phía chủ nhà giảm cho một nửa. Tuy nhiên, khi Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 15 thì chủ nhà thông báo phải nộp đủ.
"Thời điểm chưa có dịch Covid-19, quán tôi phục vụ hàng trăm bát phở mỗi ngày. Trừ các khoản chi tiêu, kinh phí thuê mặt bằng ra vẫn có lãi. Thế nhưng, từ hồi đầu tháng 5 cho tới nay, quán liên tục phải đóng cửa để chống dịch, gia đình tôi phải đi vay mượn tiền người thân để đóng tiền nhà. Giãn cách xã hội 2 tháng đã khó khăn lắm rồi. Xuống Chỉ thị 15, tưởng là hàng sẽ bán chạy, ai ngờ lại càng khó khăn hơn vì phải nộp đủ 100% tiền nhà", chị H. than thở.
Chị H. cho biết, quán phở của chị thường ngày rất đông khách, thuộc dạng hàng đầu khu phố. Những ngày qua phải đóng cửa để phòng, chống dịch, không có thu nhập, nhưng chị "chấp nhận cuộc chơi", quyết tâm không trả lại mặt bằng, với mong muốn khi nào hết dịch sẽ kiếm lại. Thế nhưng, dịch bệnh lâu quá, khiến kinh tế gia đình chị bị cạn kiệt.
Tương lai mờ mịt
Chị H. quê ở Hưng Yên, lấy chồng về huyện Thường Tín (Hà Nội). Sau khi kết hôn được vài năm, thấy công việc đồng áng quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng vẫn không có tiền, năm 2010, vợ chồng anh chị quyết tâm bán đi mảnh đất mà bố mẹ chồng phân cho để làm vốn lên Hà Nội kinh doanh với hy vọng… sẽ giàu.
Thời gian đầu, công việc của cả 2 vợ chồng khá thuận lợi, chị H. mở quán phở nhỏ ở một quận sát trung tâm Hà Nội, còn chồng chị đi chạy xe ôm. Sau vài năm làm lụng tích cực, có trong tay được chút vốn thì họ bắt đầu lên khu vực phố cổ Hà Nội kinh doanh.
"Gần 2 năm qua là những chuỗi ngày không muốn nhớ đầy khắc nghiệt của gia đình tôi. Dịch bệnh triền miên khiến công việc của cả 2 vợ chồng bị ảnh hưởng nặng nề. Bây giờ nhà tôi đang nợ 100 triệu đồng của người thân, số tiền này thật sự quá lớn và không biết bao giờ mới trả hết. Nếu thời gian tới dịch bệnh vẫn không có gì thay đổi thì gia đình tôi không biết sẽ sống ra sao. Đất ở quê đã bán rồi, giờ bỏ phố thì biết đi đâu về đâu... Nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài quá", chị H. buồn bã nói.
Chị H. cho biết, trước mắt chị sẽ tiếp tục cố gắng hết sức, huy động mọi mối quan hệ để vay mượn, cố gắng bám trụ lại Hà Nội. Nếu trong vòng 3 tháng tới, tình hình vẫn không có gì thay đổi thì lúc đấy chị mới nghĩ đến phương án khác.
Tối 20/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản điều chỉnh các biện pháp chống dịch tại Hà Nội trong tình hình mới. Theo đó, từ 6h ngày 21/9, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của thành phố.
Bên cạnh các cửa hàng cắt tóc, gội đầu, Hà Nội cũng cho phép dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng, hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày và tuân thủ quy định phòng, chống dịch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn