Tại buổi làm việc, bà Pamela Coke-Hamilton cho biết, bà rất ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam. Từ một nước còn nghèo nàn lạc hậu sau chiến tranh, trải qua gần 50 năm xây dựng và kiến thiết, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước có nền kinh tế vững mạnh trong khu vực Đông Nam Á. "Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thực hiện tốt nhất bình đẳng giới khi có một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh là Hội LHPN Việt Nam", bà Pamela Coke-Hamilton nhấn mạnh".
Giám đốc điều hành ITC cho biết, tại Việt Nam, ITC đã thực hiện gần 20 dự án liên quan đến thương mại trong 15 năm qua, hầu hết được thực hiện với Bộ Công Thương. Trong giai đoạn hiện nay, ITC ưu tiên hỗ trợ việc khai thác các vấn đề về chuyển đổi số trong thương mại, phát triển thương mại điện tử qua các nền tảng số, thương mại xanh và cacbon thấp, quốc tế hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng trưởng toàn diện.
Thông qua Hội LHPN Việt Nam, ITC mong muốn hợp tác và phát triển các vấn đề này ưu tiên gắn với phụ nữ và thanh niên, đặc biệt là phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ trên nền tảng số và mô hình kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.
Về phía Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hà Thị Nga cho biết, Hội LHPN Việt Nam rất sẵn lòng hợp tác với ITC trong việc hỗ trợ phụ nữ. Trong suốt chiều dài hoạt động, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế thông qua các hoạt động như tài chính vi mô, đào tạo nghề, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nữ, hỗ trợ phụ nữ tham gia kinh tế tập thể…
Một số kết quả ấn tượng có thể kể đến như: Hội đã hỗ trợ gần 73 nghìn phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; thành lập 1.451 doanh nghiệp do nữ làm chủ, gần 12 nghìn mô hình kinh tế tập thể và gần 800 hợp tác xã (HTX). Hiện nay Hội đang xây dựng Đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ quản lý và tạo việc làm giai đoạn 2022-2030.
Để thích ứng với kinh tế số và ứng phó với đứt gãy chuỗi tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian vừa qua, các cấp Hội có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tranh thủ vận động nguồn lực xã hội hóa như: tổ chức, phối hợp tổ chức hơn 800 khóa đào tạo cho hơn 87.000 phụ nữ về mô hình kinh doanh-khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, công nghệ số, livestream bán hàng và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Kết quả, nhiều phụ nữ nông thôn lần đầu tiên biết đến khái niệm về thương mại điện tử, livestream bán hàng; tuy còn nhiều bỡ ngỡ, song doanh số kinh doanh đã bắt đầu tăng trưởng.
Cùng với những mục tiêu phát triển kinh tế, Chủ tịch Hà Thị Nga cho biết, Hội LHPN Việt Nam cũng thực hiện các Chương trình góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính do giảm sử dụng sinh khối không tái tạo, hạn chế phá rừng, chặt cây; góp phần làm giảm các nhân tố gây ô nhiễm không khí trong nhà do khói bụi bằng cách phát 850.000 bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam và 364.000 bình lọc nước theo chương trình nước sạch Việt Nam cho các hộ gia đình nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng nghèo tại 31 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và mong muốn của hai bên về việc hỗ trợ phụ nữ, buổi gặp mặt đã đi đến thống nhất chung cùng hợp tác phát triển nhằm cung cấp những giải pháp tốt nhất cho phụ nữ phát triển kinh tế gắn với chuyển đổi số và bảo vệ môi trường.
Phía ITC đề xuất, thông qua một số dự án như Dự án hỗ trợ nữ doanh nhân (SheTrades) của ITC kết hợp với Quỹ từ thiện UPS, các nữ doanh nhân có thể hội nhập lĩnh vực thương mại bằng cách phát triển sự cạnh tranh kỹ thuật của phụ nữ, cung cấp các giải pháp cho hậu cần thương mại và nâng cao cơ hội tăng trưởng. Với Dự án thương mại bền vững (Green to Compete Hub), ITC có thể hỗ trợ cung cấp các giải pháp bền vững tích hợp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề nghị ITC cùng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu và nhận thức của phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế… về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ; đồng thời phát triển nhiều mô hình sinh kế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với chuỗi giá trị, đóng góp vào phát triển xanh và bền vững.
Trên cơ sở đó, hai bên có thể tổ chức các hoạt động hỗ trợ, kết nối đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng đảm bảo hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hội LHPN Việt Nam đang trực tiếp triển khai Dự án 8: "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, sự phối kết hợp với các tổ chức quốc tế như ITC là rất thiết thực, giúp phụ nữ Việt Nam có thêm nhiều cơ hội phát triển và hội nhập.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn