Mới đây, nhiều trang thông tin lan truyền việc ăn cơm nguội hâm nóng sẽ gây ung thư khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
Theo TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, thông tin này là không có căn cứ khoa học.
"Đến nay, chưa có bằng chứng, hay nghiên cứu nào khẳng định việc ăn cơm nguội sẽ gây nên ung thư. Ăn cơm nguội không được bảo quản và hâm nóng đúng cách chỉ có thể gây ngộ độc hoặc ảnh hưởng đến đường tiêu hóa chứ không thể khẳng định là gây ung thư", TS Từ Ngữ nói.
Trong gạo có thể có bào tử vi khuẩn Bacillus cereus, một vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Bào tử này có thể sống sót trong cơm đã nấu chín. Nếu để cơm ở nhiệt độ bình thường càng lâu thì bào tử này có thể phát triển thành vi khuẩn và sinh ra độc tố gây ngộ độc. Người ăn phải cơm chứa Bacillus cereus có thể bị buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy sau khoảng từ 1 đến 5 tiếng. Phần lớn các triệu chứng ở mức độ tương đối nhẹ và thường kéo dài trong khoảng 24 tiếng.
"Trong quá trình hâm lại cơm nguội, chất lượng hạt cơm sẽ bị chuyển đổi, có thể gây ảnh hưởng sức khỏe", TS Từ Ngữ cho hay.
Để đảm bảo an toàn khi ăn cơm nguội, điều đầu tiên TS Từ Ngữ khuyến cáo đó là mọi người chỉ nên ăn cơm nấu trong ngày, không nên để qua đêm.
Thứ 2, nhiều người ăn còn thừa cơm nhưng với lượng nhỏ nên tích trữ lại nhiều mới ăn, như vậy cũng không tốt.
Thứ 3, khi gạo đã mốc thì không nên dùng để nấu; không ngâm gạo vì dễ gây mất chất.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết việc ăn cơm nguội hâm nóng không gây ung thư như tin đồn. Để cơm nguội trong tủ lạnh lâu chỉ làm giảm lượng B1 và tinh bột trong cơm. Thậm chí, việc ăn cơm nguội bảo quản đúng cách lại có lợi với những bệnh nhân đái tháo đường.
Theo PGS Lâm, carbohydrate chính trong gạo là tinh bột, đây là một trong những chất dinh dưỡng đa lượng có ảnh hưởng đến phản ứng đường huyết. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc làm lạnh các sản phẩm tinh bột đã được nấu chín sẽ khiến tinh bột bị thoái hóa, trở thành tinh bột kháng (một dạng tinh bột không thể tiêu hóa được trong ruột non).
Tinh bột kháng được coi là 1 loại chất xơ. Quá trình lên men tinh bột kháng trong ruột già sẽ tạo ra các acid béo chuỗi ngắn (SCFA), ảnh hưởng đến 2 hormone - peptide là glucagon-1 (GPL-1) và peptide YY (PYY) điều chỉnh cảm giác thèm ăn của con người. Ngoài ra, 2 hormone này còn được gọi là hormone chống đái tháo đường và béo phì do chúng có khả năng cải thiện độ nhạy của insulin, từ đó giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm lượng mỡ tích tụ ở phần bụng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn