Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên mua máy tạo oxy

08:33 | 29/07/2021;
Đó là ý kiến của nhiều bác sĩ trước tình trạng người dân đổ xô đi mua máy tạo oxy để dự phòng chữa bệnh Covid-19 tại nhà.

Người nhiều tiền sắm máy tạo oxy, "bình dân" chọn bình oxy

Chị Nguyễn Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội) tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến phố Phương Mai - con phố chuyên bán trang thiết bị y tế - để tìm mua một chiếc máy tạo oxy để phòng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn.

"Bố mẹ tôi nay đã ngoài 80 tuổi. Người trẻ mắc bệnh còn chủ động được chứ ông bà già thì khó lường lắm. Tôi cứ đề phòng, mua sẵn máy tạo oxy để trong nhà, phòng trường hợp chẳng may hai cụ có những biểu hiện khó thở mà chưa kịp đi cấp cứu thì còn có cái dùng", chị Nga phân trần.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không riêng chị Nga, nhiều người dân đã đổ xô đi mua các thiết bị y tế cung cấp khí oxy để có thể tự phòng dịch tại nhà. Theo khảo sát của phóng viên, máy tạo oxy đang là mặt hàng được nhiều người dân tìm mua. Giá loại máy này dao động từ 7 triệu đến 24 triệu đồng, tùy mẫu mã, thương hiệu.

Anh Nguyễn Thường, một nhân viên kinh doanh trang thiết bị y tế, cho biết, trước đây, máy tạo oxy chỉ dành cho một số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp nhưng một tuần trở lại đây, nhu cầu mua máy tạo oxy tăng cao.

Cách đây 1 tuần, loại máy tạo oxy 5 lít có giá 9 triệu đồng, hôm nay đã báo giá 36 triệu đồng, tăng gấp 4 lần. "Tôi đã gọi điện đến các đại lý lớn chuyên cung cấp máy tạo oxy tại TPHCM và Hà Nội nhưng họ đều báo cháy hàng, đặc biệt là những dòng phổ thông có dung tích 3-5 lít/phút", anh Thường cho hay.

Anh Hoàng, một nhân viên kinh doanh trang thiết bị y tế của một công ty ở Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ, ngày 18/7, anh chuyển vào TPHCM 8 chiếc máy tạo oxy. Hiện vẫn có khách yêu cầu chuyển vào nên anh đang huy động các đầu mối để có hàng bán. Nếu ở Hà Nội một chiếc máy tạo oxy loại 3 lít giá khoảng 18 triệu đồng thì cước phí chuyển vào miền Nam thêm 2 triệu đồng, đến tay khách hàng tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng/máy.

Tại những sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada..., các gian hàng cung cấp thiết bị y tế online cũng đều báo hết hàng loại máy này.

Tại phố Phương Mai (Hà Nội), ngoài máy tạo oxy, nhiều người dân còn tìm mua bình oxy để dự trữ trong nhà. Chị Nhàn, chủ một cửa hàng vật dụng y tế tại phố Phương Mai, cho biết: "Trước đây, mỗi ngày tôi bán khoảng 5-10 bình oxy nhưng một tuần trở lại đây, số lượng tăng khoảng 30%-40% so với trước".

Theo khảo sát của chúng tôi, giá các bình oxy phụ thuộc vào dung tích của bình, có giá dao động từ 500 nghìn đến 4 triệu đồng/bình. Bình dung tích 5 lít có giá 500 nghìn đồng/bình. Các bình dung tích lớn hơn có giá dao động 2-4 triệu đồng/bình. Nhiều cửa hàng còn bán kèm hoặc tặng bộ đo lưu lượng khí thở và dây thở. "Máy tạo oxy chỉ những gia đình có điều kiện mới sắm vì giá của nó tương đối cao, còn bình oxy thì dễ mua hơn mà hiệu quả thì như nhau", chị Nhàn cho hay.

Chuyên gia khẳng định "không cần thiết"

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, bệnh nhân mắc Covid-19 xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở. Việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp là điều cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy. Việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén); cần có bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên môn để vận hành.

Đồng thời, quá trình sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời. Vì vậy, trong điều kiện gia đình không thể thiết lập các hệ thống máy thở. "Người dân không nên mua tích trữ máy thở, vừa gây lãng phí, vừa tạo sự khan hiếm nguồn cung, khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch bệnh có những diễn biến khó lường", ông Khoa nói.

Bác sĩ Phan Xuân Trung (Trung tâm Y khoa MEDIC TPHCM): "Gia đình nào đang mua máy tạo oxy thì nên liên lạc với địa phương nhờ chuyển máy đến nơi cần thiết. Trên máy nên ghi rõ tài sản này của ai, số điện thoại, địa chỉ để sau này bệnh viện hoàn trả. Hãy cứu người bằng tài sản của mình. Cứu người cũng là cứu mình".

Chuyên gia y tế cộng đồng Lê Phương cho rằng, "trào lưu" mua máy tạo oxy, bình oxy tại gia này là do giới đầu cơ đã lợi dụng tình hình dịch và tâm lý của người dân để "thổi phồng" tác dụng của những loại máy này, khiến người tiêu dùng đổ xô đi mua.

Lực lượng quản lí thị trường cần kiểm tra sự việc, ra quyết định xử phạt những kẻ "đục nước béo cò", gây hoang mang cho người dân tại thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn