Chuyên gia đề nghị ngành Y tế có nghiên cứu khoa học về xông hơi phòng Covid-19

13:41 | 20/02/2022;
Việc xông hơi bằng các loại thảo dược chứa tinh dầu như sả, gừng, chanh... đã được ông cha ta thực hiện để điều trị cảm cúm, bị bệnh mũi họng rất hiệu quả. Vậy, với Covid-19 thì có nên xông hơi hay không?

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, người dân đã tìm mọi cách để phòng, chống cũng như điều trị. Trong đó, một số người dân mách nhau cách xông hơi bằng các loại thảo dược như sả, gừng, chanh… để phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến không đồng tình.

GS.TS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai); Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, cho rằng, việc xông hơi bằng các loại thảo dược chứa tinh dầu như sả, gừng, chanh, lá tre, lá bưởi, lá hương nhu… đã được ông cha ta thực hiện để điều trị cảm cúm, bị bệnh mũi họng rất hiệu quả. Bản thân ông cũng từng thực hiện xông hơi khi bị cảm cúm, nhức đầu và cho kết quả rất tốt.

Hiện nay, nhiều gia đình bị nhiễm Covid-19. Tuy không nặng nhưng dẫn đến phải cách ly lần lượt, kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội và tinh thần của mọi người. Vì vậy theo GS. Bình ngay cả đeo khẩu trang vẫn có thể bị mắc Covid-19 hoặc chưa có biểu hiện lâm sàng. Vì vậy, người dân nên xông hơi cho cả gia đình cùng lúc, nhằm hạn chế lây nhiễm.

Theo GS. Bình tùy theo điều kiện của mỗi gia đình để thực hiện. Phương pháp này cũng khá dễ làm và rẻ tiền. Nhà nào không có máy xông hơi, có thể dùng nồi lá xông, cho các thảo dược vào, đun sôi lên một lúc, hít hà dần dần từng ít một để tránh bị bỏng hơi nóng. Ngoài dùng các thảo dược có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu như tinh dầu quế, chanh, sả, gừng… vào nồi lá xông để xông.

Với các gia đình có máy xông có thể dùng máy xông hơi, nhỏ tinh dầu vào để xông phòng và hít xông mũi họng phòng bệnh Covid-19.

GS. Bình cũng đề nghị ngành Y tế cần có những nghiên cứu khoa học về vấn đề áp dụng xông hơi trong mùa dịch bệnh Covid-19. Nghiên cứu xem những gia đình áp dụng xông hơi thì ngoài thay đổi các triệu chứng lâm sàng cần xét nghiệm virus hàng ngày để đánh giá hiệu quả của liệu pháp này và khả năng lây truyền đến đâu để có kết luận chính xác.

Chuyên gia hồi sức cũng cho rằng, mọi người có thể rửa tay với thuốc sát trùng, đeo khẩu trang để hạn chế hít phải virus. Tuy nhiên, khi đã hít phải virus vào đường hô hấp thì không có cách nào để súc rửa. Mũi họng có thể làm được, chứ phổi thì không. Vì vậy chỉ có cách hít hà hơi nước ở nhiệt độ cao (50-70 độ C) và tác dụng của các loại tinh dầu giúp sát khuẩn đường hô hấp và ngăn ngừa hoặc hạn chế cho SARS-CoV-2 bám vào niêm mạc đường hô hấp để phát triển. Tuy nhiên, người dân không nên xông phòng, xông mũi họng bằng thảo dược và lưu ý không xông trực tiếp vào người.

"Trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, mỗi người dân nên trang bị cho mình những "vũ khí" để chống lại SARS-CoV-2. Đó là tiêm vaccine phòng Covid-19, kết hợp tuân thủ 5K của ngành y tế. Ngoài ra, nên xông hơi cho cả nhà, một biện pháp ngăn ngừa, hoặc giảm bớt nguy cơ SARS-CoV-2 xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể", GS. Bình nói.

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo với người dân không nên tin vào các loại thuốc trị Covid-19 không được cơ quan chức năng cho phép, kiểm duyệt… tràn lan hiện nay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn