Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho bản thân, di chúc để lại khiến ai đọc cũng nghẹn ngào

15:44 | 21/04/2023;
Xa Diễm khi đó mới 8 tuổi đã thay người cha không biết chữ viết đơn tự nguyện từ bỏ điều trị cho chính mình.

“Con đã từng đến đây, con rất ngoan” là dòng chữ khắc trên bia mộ của cô bé tên Xa Diễm, cô bé qua đời khi chỉ mới 8 tuổi vì căn bệnh ung thư.

Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho bản thân, di chúc để lại khiến ai đọc cũng nghẹn ngào - Ảnh 1.

Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho bản thân, di chúc để lại khiến ai đọc cũng rưng rưng nước mắt.

Trước khi ra đi, cô bé lương thiện và hiểu chuyện này đã để lại một bức di chúc khiến cả Trung Quốc chấn động, bất cứ ai đọc được những dòng chữ cuối cùng của Xa Diễm khi đó cũng đều rưng rưng nước mắt. Thậm chí, câu chuyện của em sau này còn được làm thành bộ phim nổi tiếng có tên “Thiên đường của Trương Vọng”. Bộ phim phản ánh chân thực cuộc sống với nhiều khó khăn nhưng luôn tràn ngập sự ấm áp từ những tấm lòng thiện lương.

Đứa trẻ bất hạnh bị vứt bỏ và người cha bất đắc dĩ

Ngày 30/11/1996, người đàn ông nghèo khổ có tên Xa Sĩ Hữu vô tình phát hiện một bé gái đỏ hỏn đang thoi thóp nằm ở vệ cỏ bên chân cầu Vĩnh Hưng tại huyện Song Lưu, Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho bản thân, di chúc để lại khiến ai đọc cũng nghẹn ngào - Ảnh 2.

Ảnh từ phim "Thiên đường của Trương Vọng".

Khi đó, Xa Sĩ Hữu đã 30 tuổi, vì gia cảnh nghèo khó mà anh mãi vẫn chưa lấy được vợ. Nếu anh nhận đứa trẻ này về nuôi thì đừng nói tới chuyện lấy vợ, đến việc ngày sau có gì để ăn hay không cũng là chuyện khó nói.

Việc nhận nuôi thêm một đứa trẻ sơ sinh là chuyện không hề đơn giản với bất cứ ai. Chính vì vậy, Xa Sĩ Hữu nhiều lần bế đứa bé lên rồi lại đặt đứa bé xuống, phân vân vô cùng. Tuy nhiên, thời tiết khi đó quá lạnh cộng thể trạng của đứa trẻ dần một yếu. Xa Sĩ Hữu không thể nhẫn tâm vứt bỏ sinh linh bé bỏng này nên đã quyết định liều mình đón bé về nuôi cùng lời căn dặn: “Cha cũng chẳng đủ đầy điều kiện để nuôi con thật tốt, thôi thì sau này cha ăn gì thì con ăn nấy nhé!”.

Kể từ đó, trong căn nhà nhỏ tồi tàn của Xa Sĩ Hữu có thêm một sinh linh bé nhỏ, còn anh cũng trở thành cha nuôi bất đắc dĩ từ đó. Sau khi nhận nuôi cô bé, Xa Sĩ Hữu quyết định đặt tên cho em là Xa Diễm. Mọi thông tin anh biết về đứa con nuôi của mình chỉ là một mảnh giấy được ghi xiên xẹo dòng chữ “sinh ngày 22 tháng 10 vào lúc 12 giờ đêm”, có lẽ đây là những gì mà cha mẹ đẻ của Xa Diễm để lại.

Tình cảnh “gà trống nuôi con” đầy khốn khó

Giai đoạn đầu chăm sóc con nhỏ của Xa Sĩ Hữu muôn phần khó khăn, một mình anh “gà trống nuôi con” cộng thêm gia cảnh nghèo khó lại càng thêm vất vả.

Mỗi ngày, người cha nuôi đều chăm chỉ đi làm rồi chắt chiu từng hạt gạo để nấu, sau đó chắt nước gạo cho con uống thay sữa. Tuy nhiên, được vài hôm anh lại lo lắng con ăn như vậy sẽ thiếu chất, nên cứ nghe ngóng được nhà ai có người mới sinh là Xa Sĩ Hữu lại mặt dày chạy qua xin sữa.

Ban đầu mọi người đều dị nghị và cho rằng Xa Sĩ Hữu thân mình không lo nổi còn quản chuyện bao đồng. Tuy nhiên, sau này mọi người đều bị sự lương thiện và chân thành của Xa Sĩ Hữu lay động, hình ảnh người cha một mình gà trống nuôi con dần trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Cha là chỗ dựa của con, con là điểm tựa của cha

Thời gian cứ thế trôi qua, Xa Diễm lớn lên ngày càng hoạt bát, thông minh và rất hiểu chuyện nên được bà con hàng xóm vô cùng yêu quý. Dù mới lên 5 nhưng cô bé đã tự mình làm được tất cả mọi việc trong nhà như giặt quần áo, dọn dẹp, nấu cơm… Xa Diễm còn trở thành điểm tựa tinh thần cho cha sau những ngày lao động mỏi mệt. Cuộc sống tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hai cha con nhà họ Xa luôn tràn ngập tiếng cười.

Khi Xa Diễm đến tuổi đi học, mặc dù hoàn cảnh gia đình vẫn phải lo ăn từng bữa, nhưng một người không biết chữ như Xa Sĩ Hữu lại luôn mong muốn con gái mình được đi học đầy đủ. Chính vì vậy, Xa Sĩ Hữu đã trở thành chỗ dựa cho con, anh cố gắng thu xếp để con gái được đi học như bạn bè cùng trang lứa. Không phụ lòng Xa Sĩ Hữu, cô con gái bé bỏng của anh nhanh chóng trở thành học sinh gương mẫu và có kết quả học tập đứng đầu toàn khối.

Xa Diễm luôn đạt thành tích tốt trong các cuộc thi và luôn chăm chỉ phụ giúp cha việc nhà.

Điều này khiến Xa Sĩ Hữu vô cùng tự hào và cảm thấy rất hạnh phúc. Cuộc sống bình dị một lớn một nhỏ nưa tựa vào nhau của hai cha con cứ vậy trôi qua trong yên bình.

Luôn là một cô bé bất hạnh...

Những tưởng rằng cuộc sống của hai cha con nhà Xa Sĩ Hữu cứ vậy bình yên trôi qua, thì sóng gió đột nhiên ập đến.

Vào một buổi sáng của tháng 05 năm 2005, Xa Diễm đột nhiên bị chảy máu cam khi đang rửa mặt. Xa Sĩ Hữu hốt hoảng cầm máu cho con mà không được, lo lắng cho con gái anh vội đưa con gái tới bệnh viện, cuối cùng các bác sĩ cũng đã cầm máu được cho Xa Diễm.

Tuy nhiên chưa kịp thở phào thì Xa Sĩ Hữu nhận tin dữ từ phía các bác sĩ, dựa theo chẩn đoán rất có thể Xa Diễm mắc căn bệnh bạch cầu cấp. Sau khi trải qua nhiều đợt xét nghiệm và kiểm tra kỹ lưỡng, nghe kết quả từ phía bác sĩ Xa Sĩ Hữu như chết lặng.

Bác sĩ cho biết cô bé không may mắc căn bệnh bạch cầu cấp, cần phải điều trị ngay với mức viện phí 300.000 NDT (khoảng hơn 950 triệu tiền Việt). Với cuộc sống nghèo khó vẫn còn lo ăn từng ngày, khoản tiền chữa trị này là số tiền lớn với cha con Xa Sĩ Hữu.

Tuy nhiên, khi đó người cha chẳng chần chừ chút nào mà ngay lập tức đồng ý chữa trị cho con. Ngay sau đó anh về nhà và rao bán căn nhà lụp xụp và là tài sản duy nhất của mình để lấy viện phí lo cho con.

Khi đó, điều duy nhất Xa Sĩ Hữu nghĩ tới đó là anh thấy xót thương con vô cùng. Đứa trẻ vừa ra đời đã bị cha mẹ ruột vứt bỏ, những tưởng con sẽ lớn lên vui vẻ hạnh phúc thì căn bệnh quái ác lại tìm đến con. Vì sao cuộc sống lại đem hết bất hạnh đẩy lên cô con gái bé bỏng của anh như vậy.

Tuy nhiên, căn nhà của Xa Sĩ Hữu phần vì bán gấp, phần vì quá cũ kỹ nên mãi không có người mua. Xa Sĩ Hữu lo lắng chạy đông chạy tây vay mượn nhưng chỉ được một phần rất nhỏ.

Xa Diễm khi đó vô cùng hiểu chuyện, cô bé nhiều lần nói với cha rằng: “Con biết bệnh của con nếu chữa thì tốn nhiều tiền lắm, nhà mình nghèo như vậy hay cha cho con xuất viện về nhà nhé”.

Sau nhiều lần khuyên bảo cha từ bỏ trị liệu cho mình, đến ngày 18/06/2005, Xa Diễm mới 8 tuổi đã tự mình thay người cha không biết chữ viết dòng chữ: “Tự nguyện từ bỏ điều trị”.

Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho bản thân, di chúc để lại khiến ai đọc cũng nghẹn ngào - Ảnh 4.

Xa Diễm mới 8 tuổi đã tự mình thay người cha không biết chữ viết dòng chữ từ bỏ chữa trị.

Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho chính mình

Sau khi từ bỏ điều trị, cô bé vẫn tỏ ra bình thường và vui vẻ cùng cha về nhà. Cũng vào ngày hôm đó, cô bé xin cha mua bộ quần áo mới và đi chụp ảnh. Đó cũng là bức ảnh đầu tiên mà Xa Diễm được chụp, cô bé nở nụ cười thật tươi và giơ tay hình chữ V rất đáng yêu.

Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho bản thân, di chúc để lại khiến ai đọc cũng nghẹn ngào - Ảnh 5.

Xa Diễm vô cùng bình tĩnh mà dặn dò cha chuẩn bị hậu sự cho mình.

Sau khi lấy ảnh, Xa Diễm dặn dò cha mình rằng: “Sau này nếu thấy nhớ con, cha hãy lấy ảnh của con ra xem nhé. Con ước được chết vào mùa thu, vì khi đó lúa mì và ngô trên ruộng chín vàng rất đẹp, và cha hãy chôn con ở sau vườn nhà để con có thể ở gần cha hơn một chút”. Khi đó Xa Sĩ Hữu vừa lau nước mắt vừa nghẹn ngào đồng ý với ước nguyện của cô con gái nhỏ.

Tia sáng hy vọng đến với cô bé bất hạnh

May mắn câu chuyện của cô bé bất hạnh Xa Diễm được phóng viên Phó Diễm của tờ báo Thành Đô biết đến. Vị phóng viên này sau đó đã tới tận nơi và làm phóng sự về câu chuyện của 2 cha con Xa Sĩ Hữu.

Câu chuyện về “cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự” cho mình được lan truyền khắp Trung Quốc, không cần hô hào kêu gọi, nhiều mạnh thường quân đã tự chủ động tìm đến và ủng hộ chi phí chữa trị cho Xa Diễm.

Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho bản thân, di chúc để lại khiến ai đọc cũng nghẹn ngào - Ảnh 6.

Câu chuyện của cô bé Xa Diễm được lên báo và nhanh chóng lan truyền khắp Trung Quốc.

Dường như ai cũng biết đến câu chuyện của cô bé Xa Diễm, chỉ sau 10 ngày số tiền quyên góp cho Xa Diễm đã lên đến 560.000 NDT (Hơn 1 tỷ 7 tiền Việt). Mạng xã hội tràn ngập lời cầu nguyện phép màu sẽ đến với cô bé.

Xa Diễm ngay sau đó đã được chuyển tới bệnh viện nhi của Thành Đô để điều trị. Tại đây, cô bé đã dũng cảm trải qua nhiều lần hóa trị, không ít lần em phải đối diện với “cửa tử” vì sốc nhiễm trùng, xuất huyết đường tiêu hoá, bệnh bại huyết cùng các tác dụng phụ của trị xạ.

Vị bác sĩ điều trị chính cho em là Từ Minh khi đó đã phải cảm thán sự dũng cảm của em rằng: “Quá trình kiểm tra tủy xương vô cùng đau đớn nhưng cô bé chẳng một lần kêu đau”.

Chính sự kiên cường dũng cảm của Xa Diễm đã khiến bác sĩ Từ Minh cảm phục và yêu mến em vô cùng. Sau khi biết hoàn cảnh em không có mẹ, nữ bác sĩ đã xin được làm mẹ nuôi để cùng Xa Sĩ Hữu chăm sóc cho cô bé hàng ngày. Khi nghe bác sĩ Từ Minh nói rằng, nếu con không chê thì hãy để cô làm mẹ của con nhé, Xa Diễm đã òa khóc và gọi to 2 tiếng “Mẹ ơi” đây là 2 tiếng mà cô bé chưa bao giờ được gọi.

Cô bé 8 tuổi tự lo hậu sự cho bản thân, di chúc để lại khiến ai đọc cũng nghẹn ngào - Ảnh 7.

Xa Diễm có những ngày vui vẻ hạnh phúc bên mẹ Từ.

Có thể nói, ngoại trừ việc phải chiến đấu với căn bệnh quái ác thì đây là những ngày tháng hạnh phúc nhất của Xa Diễm khi em có cả cha lẫn mẹ yêu thương chăm sóc.

Kết quả điều trị của Xa Diễm rất khả quan, cơ bản căn bệnh của em đã được khống chế. Tuy nhiên vì tác dụng phụ của hóa chất nên sức khỏe của Xa Diễm ngày một yếu đi, tất cả mọi người đều cầu nguyện em có thể vượt qua được cửa ải này.

Bức di chúc khiến ai đọc cũng rơi nước mắt

Sáng ngày 20/8/2005, khi nữ phóng viên Phó Diễm tới thăm cô bé như thường lệ, Xa Diễm có hỏi cô rằng: “Dì ơi, vì sao mọi người lại ủng hộ tiền cho con?”

Khi đó Phó Diễm ân cần giải thích rằng: “Bởi vì họ đều là những người tốt có tấm lòng lương thiện”. Nghe tới đây Xa Diễm hồn nhiên nói với Phó Diễm rằng: “Vậy con cũng muốn trở thành người tốt giống như mọi người”. Nói rồi cô bé lấy từ dưới gối ra một quyển tập viết, bên trên là dòng chữ “Di chúc”, với nội dung khiến ai đọc cũng rưng rưng nước mắt.

“Tạm biệt dì Phó Diễm và mẹ Từ, hẹn gặp mọi người trong mơ. Dì Phó Diễm ơi, nhà con sắp sập rồi. Sau khi con đi, mong dì chăm sóc cha con, đừng để cha con nhảy lầu. Nhờ dì cảm ơn mọi người đã giúp đỡ và mang số tiền được quyên góp gửi lại cho các bạn khác có bệnh như con điều trị. Anh trai phòng bên không nhìn thấy gì cả, dì giúp con gửi đôi mắt của mình lại cho anh ấy nhé.”

Sau khi bức di chúc của cô bé được trao cho dì Phó Diễm 2 ngày thì Xa Diễm qua đời trong sự thương tiếc vô bờ của mọi người. Trên tấm bia mộ của Xa Diễm là tấm ảnh của em cùng dòng chữ cuối cùng em viết trong nhật ký: “Con đã từng đến đây, con rất ngoan”, phía dưới là tên của cha nuôi và mẹ nuôi, phía sau bia mộ là dòng chữ kể lại cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng đáng suy ngẫm của em.

Khoản tiền quyên góp của Xa Diễm sau đó được chữa trị cho 7 đứa trẻ khác, ngày 24/9 cô bé Từ Lê một trong 7 người nhận quyên góp từ Xa Diễm đã phẫu thuật thành công. Sau khi phẫu thuật xong, Từ Lê nói rằng: “Cảm ơn em thật nhiều cô bé lương thiện, sau này trên bia mộ chúng tôi đều sẽ ghi dòng chữ giống như em ‘con đã từng đến đây, con rất ngoan’ lên bia mộ.”

Về phần chàng thiếu niên nhận giác mạc của Xa Diễm cũng có một cuộc phẫu thuật vô cùng thành công. Sau khi mắt sáng trở lại, cậu bé đã nở nụ cười rạng rỡ và nói rằng: “Để người anh trai này đưa em đi nhìn ngắm thế giới nhé, Xa Diễm”.

Có thể cuộc sống vội vã bươn chải khiến chúng ta hoài nghi và quên đi mất giá trị của lòng tốt và sự thiện lương, nhưng thật ra những điều tưởng chừng xa xôi đó lại luôn hiện hữu ở ngay trong chính mỗi chúng ta chưa bao giờ rời đi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn