Tuần trước, một vụ việc kỳ lạ xảy ra trong một lễ cưới ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ đã khiến người dân nước này không khỏi phẫn nộ và bàng hoàng.
Theo đó, trong lúc tổ chức hôn lễ, Surabhi, một trong hai nhân vật chính của buổi tiệc đột nhiên ngã xuống đất bất tỉnh. Sau đó, bác sĩ kiểm tra và thông báo Surabhi đã mất ngay lúc đó. Nhưng thay vì dừng tổ chức lễ cưới, cả hai gia đình quyết định tiếp tục tiến hành hôn lễ giữa chú rể Manoj Kumar và một trong những em gái của Surabhi, Nisha.
"Chúng tôi không biết phải làm gì trong tình huống này. Cả hai gia đình đã ngồi lại với nhau. Có người đã gợi ý rằng em gái Nisha của tôi nên kết hôn với chú rể", anh trai của Surabhi, cô dâu đã qua đời nói.
"Hai gia đình đã bàn bạc về vấn đề này và cả hai đều đồng ý."
Thi thể của Surabhi được tạm đặt trong phòng trong khi hôn lễ của Kumar với Nisha được tổ chức.
Ajab Singh, chú của Surabhi cho biết đây là một quyết định rất khó khăn và gia đình chưa bao giờ trải qua những cảm xúc lẫn lộn như vậy.
"Nỗi đau buồn về sự ra đi của Surabhi và niềm hạnh phúc về đám cưới đã hòa cùng nhau", anh nói thêm.
Câu chuyện đau lòng sau đó đã gây xôn xao trên toàn quốc và lan truyền trên mạng xã hội, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cư dân mạng.
"Điều này vô cùng rối rắm. Đáng lẽ phải có sự tôn trọng đối với cô dâu đã khuất. Tôi rất kinh hoàng vì sự việc", một cư dân mạng bình luận trên Twitter.
Một người khác viết: "Những người này không kết hôn vì tình yêu? Hay kết hôn vì tình yêu đã là một khái niệm lỗi thời trong thời đại này?"
"Có ai quan tâm đến cô em gái không?", một tài khoản mạng xã hội viết.
Câu chuyện cũng lan truyền trên Weibo của Trung Quốc, nơi người dùng đặt câu hỏi liệu quyền lợi của người em gái đã được xem xét chưa và liệu cô ấy có đồng ý với cuộc hôn nhân này hay không.
Ngoài ra, nhiều người bày tỏ quan điểm rằng ít nhất chú rể nên đợi đến khi nghi thức cuối cùng trong tang sự của cô dâu quá cố Surabhi hoàn thành rồi mới nên tiến hành đám cưới.
Một số người nghi ngờ rằng sự việc xảy ra có liên quan đến của hồi môn và có lẽ gia đình chú rể không muốn trả lại.
Theo các nhà xã hội học, vụ việc phản ánh xã hội gia trưởng và bất bình đẳng giới như truyền thống hôn nhân cổ xưa không coi trọng ý kiến nữ giới. Kamei Aphun, giáo sư xã hội học tại Đại học Delhi, Ấn Độ cho biết: "Hầu hết các cuộc hôn nhân ở Ấn Độ được sắp đặt giữa các gia đình, không phải giữa đôi nam nữ".
"Trong trường hợp của Surabhi cũng vậy, những người lớn tuổi trong gia đình có lẽ nghĩ rằng tốt nhất là nên gả con gái khác của họ cho chú rể. Nhưng có ai xem xét cảm nhận của cô em gái không? Hay sự thật là cô ấy sẽ phải mãi sống với sự kỳ thị khi lấy chồng của người chị gái quá cố?".
Tiến sĩ Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Delhi, cho biết trường hợp này là một ví dụ rõ ràng về hôn nhân ép buộc nhân danh "truyền thống", nơi ý kiến của người trong cuộc không được xem xét.
Bà nói: "Đó là một hệ thống bóc lột. Hầu như không đáng ngạc nhiên khi 95% các cuộc hôn nhân ở Ấn Độ là do gia đình sắp đặt.
Nhà hoạt động cho biết các nghiên cứu do tổ chức của bà thực hiện ở các bang như Uttar Pradesh, Bihar và Rajasthan đã phát hiện một số trường hợp người chồng kết hôn với chị em gái của vợ sau khi người vợ qua đời.
"Những trường hợp như vậy xảy ra không chỉ ở các tầng lớp thấp của xã hội mà còn xảy ra ở các tầng lớp cấp cao", bà Kumari giải thích. Ngoài ra, Kumari cũng nói thêm rằng gần đây bà đã gặp hai trường hợp tương tự, trường hợp của một nhà ngoại giao và trường hợp của một chính trị gia cấp cao. Theo đó cả hai đều đã lấy em gái của vợ quá cố.
"Điều thậm chí còn sốc hơn khi cuộc hôn nhân diễn ra với điều kiện những người vợ mới không được phép có con riêng vì cho rằng điều đó sẽ làm họ phân tâm cho việc chăm sóc con của người chị em đã khuất", bà nói.
"Nói cách khác, vai trò của những cô dâu bị 'trao duyên' này không phải chỉ là làm vợ mà là trở thành một bảo mẫu không lương đồng thời phải hy sinh hạnh phúc làm mẹ của chính mình.
Kumari cho biết, ở miền nam Ấn Độ tập tục như vậy rất phổ biến trong các gia đình sở hữu đất đai vì lý do kinh tế. Điều này được lý giải rằng nếu nam giới kết hôn với em hay chị gái của người vợ quá cố, tài sản vẫn nằm trong cùng một gia đình.
Giáo sư xã hội học Janaki Abraham cho biết các hộ gia đình nghèo ở Ấn Độ đã trở nên khó khăn hơn bởi những bi kịch do đại dịch gây ra. "Gia đình này chỉ đơn giản là lựa chọn tiếp tục cuộc sống bằng cách để người em gái thay chị kết hôn. Họ không có đủ thời gian để đau buồn về người đã ra đi."
Viện sĩ Đại học Delhi cũng nhấn mạnh yếu tố kinh tế của sự việc, cho biết một số người đã vay nặng lãi để tổ chức lễ cưới nhằm tránh bị người thân phán xét.
"Ngay cả đối với tầng lớp thấp, các cuộc hôn nhân của người Ấn Độ cũng là những sự kiện tốn kém. Ngay cả những người nghèo nhất cũng phải tổ chức những buổi lễ xa hoa vì 'danh dự gia đình'."
Vì hầu hết gánh nặng chi phí đám cưới thuộc về gia đình cô dâu, có lẽ cũng là điều đã xảy ra trong trường hợp của Surabhi, nên em gái cô dâu đã phải kết hôn với chú rể để tránh tổn hao chi phí phát sinh khi tổ chức đám cưới.
Ngoài ra, giáo sư Abraham cho biết yếu tố về hệ thống đẳng cấp cũng đóng một vai trò trong quyết định của gia đình.
"Các gia đình lo sợ rằng người em gái có thể bỏ trốn và tìm một chàng trai do chính cô ấy lựa chọn, người có thể không được người thân chấp nhận," bà nói.
"Hệ thống đẳng cấp rất cứng nhắc. Các chàng trai và cô gái trẻ không thể kết hôn ngoài giai cấp và cộng đồng. Trong khi đó, họ phải kết hôn ngoài làng vì điều này được xem là giúp mở rộng gia đình".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn