Tại tọa đàm "Tiếng nói của phụ nữ" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ sự kiện truyền thông "Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số", Sùng Y Múa chia sẻ, cô may mắn là 1 trong 13 cô gái được đi học ở bản thời điểm đó. "Hồi nhỏ, bố mẹ thì đi làm xa, 5-6 tháng mới về nhà một lần, tôi học không giỏi nhưng quyết tâm không bỏ trường, bỏ lớp" - Y Múa hóm hỉnh chia sẻ.
Sau khi học xong ngành y, Sùng Y Múa về tại xã Hang Kia sinh sống. Nơi đây, 100% phụ nữ sinh nở tại nhà. Đặc biệt, song song với việc gọi y sĩ đến đỡ đẻ, bà con còn mời cả thầy cúng đến nhà trong lần vượt cạn.
"Khi y sĩ chuẩn bị đỡ đầu em bé chui ra từ mẹ thì cũng là lúc thầy cúng phun nước ở đằng sau, thậm chí nhiều lần suýt làm rơi em bé" - Sùng Y Múa nhớ lại và cho biết, cô bất lực không thể làm được gì trước những hủ tục của bà con nơi đây. Trong đầu cô nảy ra suy nghĩ, mình sẽ phải tuyên truyền dần để bà con sống văn minh hơn, bỏ bớt các hủ tục lạc hậu vốn có từ ngàn xưa.
Nói tiếp về những hủ tục lạc hậu bủa vây trong cuộc sống người phụ nữ Mông, Sùng Y Múa cho biết, người đàn ông Mông đi uống rượu về là say lắm, nôn hết vào quần áo, chăn màn nhưng phụ nữ Mông rất giỏi chịu đựng bởi chẳng may có chê bai thì thể nào cũng… xảy ra bạo lực.
Sống và chứng kiến những quan điểm lạc hậu đang bủa vây người phụ nữ nơi đây, Sùng Y Múa nảy sinh suy nghĩ, phải phát triển du lịch để bà con nơi đây được tiếp cận vào giao lưu với nhiều cái mới, để thay đổi cuộc sống.
Hang Kia là xã khó khăn của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Trước đây, Hang Kia từng là "vòng cung ma túy", tuy nhiên hiện nay đã có nhiều thay đổi nhờ việc phát triển du lịch cộng đồng, góp phần cải thiện diện mạo xã vùng cao khó khăn.
Hiện tại Hang Kia đã trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng huyện Mai Châu. Nhớ lại những ngày đầu làm du lịch, Sùng Y Múa cho biết, cô như "bóng cây cô đơn sống giữa sa mạc" bởi ai nấy cũng ngăn cản cô thực hiện ý định của mình. Người này bảo làm thế thì lỗ lắm, người kia bảo không thể làm du lịch được đâu…
Homestay Y Múa cung cấp 2 sản phẩm du lịch, đó là khám phá và trải nghiệm, giúp gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa, từng bước khôi phục và duy trì được các ngành nghề truyền thống của người Mông. Đến nay, Homestay Y Múa đã góp phần thay đổi nhận thức, tăng thu nhập cho người dân địa phương; đồng thời góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa người H'Mông.
Là một trong những người phụ nữ tiên phong phát triển du lịch cộng đồng, nỗ lực cải thiện an toàn sức khỏe của chị em Phụ nữ tại Hòa Bình thông qua việc giáo dục, tuyên truyền sức khỏe sinh sản, chị Sùng Y Múa đã góp phần đưa Hang Kia – Mai Châu – Hòa Bình từ một điểm nóng ma túy trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng.
Mô hình homestay Y Múa của gia đình Sùng Y Múa đã tạo việc làm cho hàng chục người trong bản. Các du khách từ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… hay từ nước Pháp, Đức, Israel, Anh, Australia, Tây Ban Nha đều hài lòng khi để lại lưu bút. Cuốn sổ lưu niệm bằng giấy giang, đơn sơ ngày càng dày lên cũng là cách để chị Y Múa nắm bắt, phát huy những lời khen và khắc phục hạn chế qua những lời góp ý.
"Vui nhất là dân bản được mở rộng giao lưu văn hóa, chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm, đặc biệt số người tham gia vận chuyển ma túy trái phép giảm hẳn. Để giữ chân được du khách đến thăm quan và ở lại, khám phá bản sắc dân tộc từ trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đến cách lao động sản xuất, kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên… bà con phải giữ gìn, khôi phục nghề thêu, làm giấy giang, vẽ sáp ong, điệu khèn, điệu múa, trò chơi dân gian, giữ môi trường xanh, sạch, đẹp...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn