Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động lớn tới mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và an toàn sức khỏe, tính mạng của nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh này cũng mang lại một số hiệu ứng tích cực nhất định, trong đó có nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững.
Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) thực hiện khảo sát với 14.000 người đến từ 09 quốc gia, cho kết quả: 90% người được khảo sát cho biết Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.
Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu. 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững sau sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng có thể thấy, tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp.
Mặc dù Covid-19 mang lại nhiều bất lợi và khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn.
Chị Lê Thị Nguyệt (sáng lập Xanh và Refill, quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, lý do chị chọn sản phẩm xanh để kinh doanh là để giúp mọi người nâng cao sức khỏe và nhận thức bảo vệ môi trường sống. Đến cửa hàng mua sắm, người tiêu dùng thực hiện hình thức đong đầy (refill) – tự mang chai lọ của mình đi mua sắm để hạn chế rác thải.
Hiện nay, nhiều cách kinh doanh hướng tới tiêu dùng bền vững đang được các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối áp dụng như:
- Sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong kênh phân phối;
- Cho phép người tiêu dùng chủ động trong việc không dùng sản phẩm nhựa khi mua hàng từ xa;
- Tạo cơ chế để người tiêu dùng tiếp tục mua hàng một cách bền vững thông qua cơ chế "làm đầy" (refill) – cho phép người tiêu dùng mang chai, lọ đã sử dụng đến để đựng sản phẩm. Hoạt động này nhằm giảm lượng bao bì nhựa chỉ sử dụng 1 lần hoặc những sản phẩm khó phân huỷ, bao gồm các sản phẩm gia dụng thường gặp trong nhà, dành cho cả người lớn và trẻ em, hoặc khi mang đi;
- Không gói hàng quá kỹ, quá nhiều gây lãng phí nguyên, vật liệu;
- Nếu có thể, cân nhắc việc thay thế quy trình sản xuất sử dụng năng lượng tự nhiên sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…
Tiêu dùng bền vững có thể là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm này không hề khó thực hiện. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mang lại nhiều khó khăn, đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng có thể "bền vững hóa" việc tiêu dùng hàng ngày để đóng góp cho sự an toàn của bản thân, xã hội và cho các thế hệ sau này.
Ngay từ bây giờ, bạn có thể giúp cho trái đất xanh hơn qua những việc làm nhỏ hàng ngày:
- Sử dụng túi vải nhiều ngăn và hộp đựng để đi chợ, đi siêu thị, hạn chế việc sử dụng túi ni-lông;
- Sử dụng ống hút thân thiện với môi trường thay cho ống hút nhựa như: ống hút tre, cỏ, kim loại, giấy…
- Mang bình nước cá nhân đi mua đồ uống nhằm giảm thiểu cốc nhựa;
- Tăng cường việc tiêu thụ các sản phẩm địa phương, mùa nào thức nấy nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường do vận chuyển từ nơi xa đến cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng;
- Tích cực hưởng ứng các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hướng tới tiêu dùng bền vững như: mang chai, lọ đến để mua sản phẩm (hình thức "refill"), lựa chọn không lấy dụng cụ ăn uống nhựa khi mua hàng qua mạng, chọn mua từ những cửa hàng sử dụng vật liệu xanh trong kênh phân phối như túi giấy, lá chuối gói rau…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn