pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Ảnh minh họa
Ngày 10 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Trong dịp này, cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp cũng tập trung tuyên truyền, xây dựng các công cụ hữu hiệu để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng, chủ động thể hiện trách nhiệm, đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, biến nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện tại, các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam đang được thực hiện. Với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 4073/KH-BCT đề xuất hoạt động và lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là: "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
Bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới
Với chủ đề "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới", Bộ Công Thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được an toàn trong thời kỳ bình thường mới.
Cụ thể, các cơ quan nhà nước tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Để bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới, nhiều chương trình sẽ được thực hiện như: Áp dụng chương trình khuyến mại đồng thời trên phạm vi cả nước, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
Bộ Công Thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, từng bước khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 có thể được tổ chức trực tuyến hoặc tập trung tùy theo điều kiện thực tế.