Bạn thường làm gì khi mua phải những sản phẩm hàng lỗi, kém chất lượng? Hầu hết đều chọn cách phản ánh đến nơi mua sản phẩm. Nhưng còn có rất nhiều cách khác để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là bảo vệ toàn xã hội, bởi mỗi công dân đều là người tiêu dùng. Thực tế hiện nay, mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm và được tuyên truyền rộng rãi, nhưng vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa nhận biết đầy đủ được quyền lợi của mình khi đi mua sắm và quyền lợi chính đáng đó được pháp luật bảo vệ.
Còn nhiều người tiêu dùng chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu, bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng lại ngại va chạm khi khiếu nại, dẫn đến dễ dàng thỏa hiệp để tránh phiền phức.
8 quyền của người tiêu dùng là:
- Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
- Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
- Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và các nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Mỗi người đều hiểu và nắm rõ được 8 quyền trên, không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm, mà còn giúp các doang nghiệp nâng cao ý thức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.