Ai bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử thời Covid-19?

Anh Quân
14/03/2020 - 10:26
Ai bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử thời Covid-19?
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, 15/3/2020 có chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của Covid-19, mua sắm online lên ngôi, một lần nữa câu hỏi "Quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử: Ai bảo vệ?" lại được đặt ra.

Ngày 15/3 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Quyết định số 1035/QĐ-TTg.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của Covid-19, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay không được tổ chức sôi động như mọi năm. Nhưng quyền của người tiêu dùng thì không chỉ được thực hiện chỉ trong riêng ngày này, mà cần phải được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc.

Đặc biệt, trong mùa đại dịch, để hạn chế sự lây lan của virus Corona chủng mới, các hoạt động mua sắm, tập trung đông người cần được hạn chế. Đây cũng là dịp mua sắm online, thương mại điện tử lên ngôi. Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2020 được Bộ Công Thương lấy chủ đề "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử".

Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương nhấn mạnh và kêu gọi các doanh nghiệp nói chung đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử hãy tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử thời Covid-19: Ai bảo vệ? - Ảnh 2.

Thương mại điện tử lên ngôi trong mùa dịch bệnh Covid-19

Quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm

Thương mại điện tử đã trở thành xu hướng tất yếu không chỉ với Việt Nam mà với toàn thế giới. Đây là công cụ hữu ích, giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút người tiêu dùng.

Hiện nay, có hơn 1/3 dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến. Ở góc độ người tiêu dùng, hình thức mua sắm này giúp dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận sản phẩm, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại, thuận tiện trong giao dịch cũng như được hưởng nhiều tiện ích khác.

Tuy nhiên, hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến hơn.

Quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử thời Covid-19: Ai bảo vệ? - Ảnh 3.

"Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" là chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020

Một số trường hợp xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng khi mua hàng online là:

- Cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác về thành phần, tính năng, công dụng, chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ. Hàng hóa không giống như quảng cáo.

- Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bán tràn lan trên mạng.

- Người bán hàng không thực hiện trách nhiệm cung cấp hóa đơn, chứng từ giao dịch.

- Không thực hiện trách nhiệm về bảo hành, giao, nhận, đổi, trả hàng hóa.

- Hàng hóa không đúng như cam kết, giao hàng thiếu, giao hàng chậm, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, hủy đơn hàng không có lý do…

Ai bảo vệ?

Xu hướng mua sắm trên mạng ngày càng phát triển. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của Covid-19, mua sắm online lên ngôi, một lần nữa câu hỏi Ai bảo vệ Quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử lại được đặt ra.

Liên quan đến vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, trước hết người mua hàng phải là người tiêu dùng thông thái. Không chỉ tìm hiểu kỹ thông tin, giá cả, chất lượng sản phẩm trước khi mua; người tiêu dùng còn phải nghiên cứu tìm hiểu pháp luật, nắm rõ được quyền lợi trong tiêu dùng của mình để khi có sự cố xảy ra sẽ biết cách tự giải quyết hoặc tìm đến cơ quan nào để giải quyết.

Bên cạnh việc hiểu Luật để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cũng được pháp luật bảo vệ, để tìm được công bằng và bảo vệ quyền lợi không chỉ trong một ngày 15/3, mà trong suốt cả 365 ngày.

Khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể liên hệ đến những địa chỉ sau:

- Liên hệ trực tiếp với người bán/doanh nghiệp để giải quyết

- Liên hệ đến số hotline của các trang thương mại điện tử, trang bán hàng online thực hiện theo quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn.

- Gọi điện đến số hotline 1900.888.655 của Tổng cục Quản lý thị trường để tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

- Liên hệ với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, qua email (bvntd@moit.gov.vn), nộp qua trang web (www.vca.gov.vn), gửi qua đường bưu điện hoặc tới trực tiếp trụ sở của Cục (Số 25 Ngô Quyền, Hà Nội).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm