Quyền của người tiêu dùng: Một ngày hay mọi ngày

14/03/2019 - 07:05
15/3 hàng năm là ngày Quyền của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam hưởng ứng ngày này bằng nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, quyền và lợi ích của người tiêu dùng nhưng câu hỏi nhiều người đặt ra là một ngày quyền của người tiêu dùng liệu có đủ? Làm thế nào quyền của người tiêu dùng luôn được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc?
Người tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro
 
Mua điều hòa nhiệt độ thương hiệu Casper của Thái Lan tại cửa hàng của Công ty CP Điện lạnh Thiên Phú (địa chỉ: số 137 Nguyễn Lương Bằng, Q.Đống Đa, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Thủy (Khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội) được nhà cung cấp cam kết, nếu hàng có vấn đề sẽ được 1 đổi 1 trong vòng 1 năm.
 
Chiếc điều hòa vừa mới sử dụng đã bị trục trặc, chị Thủy năm lần bảy lượt khiếu nại nhưng phía công ty và nhà sản xuất vẫn làm ngơ, "đá bóng" trách nhiệm, không thực hiện cam kết.
 
mua-hang-online-3.jpg
Công ty CP Điện lạnh Thiên Phú nơi chị Thủy mua điều hòa nhiệt độ

 

Điều khiến chị Thủy và gia đình vô cùng ức chế là sự việc trên xảy ra đúng vào đợt Hà Nội nắng nóng cao điểm. “Công ty CP Điện lạnh Thiên Phú đã bán một sản phẩm không đạt chất lượng cho chúng tôi và không thực hiện chính sách đổi trả với sản phẩm lỗi như đã cam kết. Việc này khiến tôi có cảm giác mình bị họ lừa để bán sản phẩm kém chất lượng. Trong khi chúng tôi gọi điện, đến tận nơi phản ánh cả chục lần mà nhà sản xuất và bên bán hàng liên tục đá bóng trách nhiệm cho nhau, dẫn đến suốt 3 tháng trời sự việc không được giải quyết”, chị Thủy bức xúc phản ánh.
 
Chọn mua hàng tại đại lý, khi xảy ra vấn đề về chất lượng, chị Thu Thủy còn có địa chỉ để yêu cầu xử lý, đảm bảo quyền lợi của mình. Còn với những người mua hàng online, sau khi “tiền trao, cháo múc”, hàng hóa phát hiện sai, hỏng, thì xảy ra nhiều tình huống cười ra nước mắt.     
 
Chị Việt Hà (phố Minh Khai, Hà Nội) đặt mua một bộ mỹ phẩm Hàn Quốc trên mạng xã hội, nhưng khi nhận hàng, chị Hà rất bực mình khi sản phẩm chỉ là hàng “nhái” lại thương hiệu chính hãng, chất lượng không đúng như chủ shop cam kết. Nhắn tin phản hồi với người bán, chị Hà còn ngỡ ngàng hơn, khi bị chủ hàng hủy kết bạn, chặn bình luận trên facebook cá nhân và fanpage bán hàng.
 
Mua hàng online nhanh chóng, tiện lợi nhưng luôn đi kèm với những rủi ro, bởi nhiều người bán hàng đã lợi dụng hình thức mua bán qua mạng để đẩy những sản phẩm gần hết hạn sử dụng, mẫu mã, chất lượng khác xa với quảng cáo... cho người mua hàng.
 
mua-hang-online.jpg
Một ví dụ về hình ảnh quảng cáo và hàng thực cười ra nước mắt của chị em khi mua hàng online

 

Nếu đã từng mua bán đồ gia dụng, quần áo… trên mạng, nhiều chị em đã thuộc lòng lời cam kết “hàng y hình 100%”, nếu không đúng có thể hoàn tiền trả lại cho khách. Nhưng có xảy ra những vấn đề về chất lượng, mẫu mã hàng hóa mới biết, để đòi lại tiền thì cũng không kém phần gian nan.
 
Đây chỉ là một vài ví dụ cụ thể người tiêu dùng gặp phải khi mua sắm. Tuy nhiên, sau một thời gian liên hệ, chờ đợi giải quyết mà không có kết quả, chị Thu Thủy, chị Việt Hà cũng như nhiều người tiêu dùng khác, khi mua phải kém chất lượng, hàng không đảm bảo đành tặc lưỡi bỏ qua.
 
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, để xảy ra tình trạng quyền lợi người tiêu dùng không được bảo vệ một phần là do chính thói quen mua sắm của người dân. Hiện phần lớn người tiêu dùng vẫn có tâm lý e ngại khi nhắc đến việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại với lý do chủ yếu là giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp.
 
Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng còn thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ quyền lợi của mình, nên khi mua phải hàng không bảo đảm chất lượng hay bị lỗi kỹ thuật, thì rất khó được bảo vệ.
 
 
Khái niệm “Người tiêu dùng” theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam năm 2010 được định nghĩa: “là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sinh hoạt, tiêu dùng cho cá nhân, gia đình, tổ chức”.
 
Người tiêu dùng là nhóm đối tượng đông đảo nhất trong xã hội. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với những nhà sản xuất, phân phối sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì hiện nay người tiêu dùng lại luôn ở vị thế yếu hơn, bất lợi hơn. Điều này xuất phát từ thực tế là phần lớn người tiêu dùng luôn không được biết đầy đủ, chính xác thông tin về nguồn gốc xuất xứ, về quy trình sản xuất sản phẩm hàng hóa hay cung ứng dịch vụ; người tiêu dùng cũng không phải ai cũng có đủ kiến thức chuyên môn để hiểu biết về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà mình có nhu cầu mua sắm, sử dụng.
 
ntd-4.jpg
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức nhằm tuyên truyền, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng

 

Việt Nam chính thức lấy ngày 15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng từ năm 1991. Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm tuyên truyền, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng phổ biến nhân rộng về quyền người tiêu dùng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong gia đình, cộng đồng và xã hội; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Với chủ đề Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững, trong suốt tháng 3, tháng 4 và năm 2019, người tiêu dùng sẽ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông, để hiểu hơn về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và có biện pháp xử lý đúng cách nếu quyền lợi chính đáng của mình bị vi phạm.
 
ntd-3.jpg
Người tiêu dùng cần phải tự nâng cao nhận thức để bảo vệ quyền, lợi ích của mình mọi lúc, mọi nơi.

 

Cùng với các hoạt động triển khai trong ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2019, Bí thư ra cũng đề Chỉ thị số 30-CT/TW tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với.
 
Ban Bí thư chỉ đạo:
 
- Khắc phục ngay khoảng trống trong quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương;
- Công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức đến người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
- Hoàn thiện các chế tài đủ răn đe đối với những hành vi sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, tính mạng… nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các đối tượng người tiêu dùng yếu thế.
- Có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Quyền của người tiêu dùng đã được các cơ quan chức năng đề cao và chú trọng, tuy nhiên, hơn ai hết, người tiêu dùng cần phải tự nâng cao nhận thức để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, không chỉ trong những ngày hướng tới Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, mà còn ở mọi lúc, mọi nơi.
 
Người tiêu dùng cần phải trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Mời bạn đọc bài tiếp theo trên PNVN.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm