Ăn uống sau sinh là vấn đề được nhiều chị em cực kỳ quan tâm. Thực đơn cơm cữ ngon cung cấp dưỡng chất cần thiết sẽ giúp mẹ bỉm nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người chia sẻ có một số món ăn được cho rằng mẹ bỉm sau sinh không nên ăn nhiều bởi nó dễ gây ảnh hưởng đến vết thương, có hại cho các mẹ cả sinh thường và sinh mổ.
Mới đây, trên mạng xã hội có một người mẹ lên than trách vết thương bị mưng mủ do ăn uống sai cách. Cụ thể, người này viết: "Sinh xong mẹ chồng nấu thịt gà nghệ cho ăn. Giờ vết khâu bị mưng mủ. Em sợ quá".
Dưới phần bình luận, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Bên cạnh một số chị em cho rằng quả thật ăn món này dễ làm bục chỉ, gây mưng mủ vết thương, một số người khác lại lên tiếng bênh vực mẹ chồng vì bà không làm gì sai, mưng mủ không hoàn toàn do ăn uống.
Trao đổi thêm về vấn đề này, chị Quỳnh Trang, bác sĩ chuyên khoa Nhi tại bệnh viện nổi tiếng tại Hà Nội cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng vết thương, vết khâu bị mưng mủ không phải hoàn toàn do ăn uống.
"Khi vết thương bị mưng mủ là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng. Lý do gây ra vấn đề này có thể bởi một số nguyên nhân sau. Thứ 1 do vệ sinh không kỹ. Thứ 2 là do nguồn nước dùng để vệ sinh không sạch sẽ. Thứ 3 là do vệ sinh vết mổ sai cách dễ gây tình trạng nhiễm trùng.
Thông thường, việc ăn uống không ảnh hưởng đến tình trạng vết thương bị mưng mủ. Một số chị em có cơ địa sẹo lồi sẽ hạn chế một số món ăn. Trên thực tế, mẹ sau sinh chỉ cần ăn uống đúng cách, hợp vệ sinh, không quá kiêng cữ. Nhiều người cho rằng ăn da gà gây ảnh hưởng đến vết thương thì điều này cũng không chính xác".
- Thực phẩm giàu protein từ các loại thịt: Sau khi sinh nở mà có rạch tầng sinh môn thì người mẹ cần bổ sung đầy đủ chất đạm. Những hợp chất này rất cần thiết cho việc tái tạo và làm lành vết thương.
- Các loại rau xanh lợi sữa: Bổ sung rau xanh giúp cho quá trình tiêu hóa của bà mẹ tốt hơn đồng thời giúp cơ thể hấp thu các loại dưỡng chất khác được dễ dàng hơn.
- Thực phẩm chứa sắt, acid folic và vitamin B12: Sắt và acid folic giúp nhanh chóng thúc đẩy hình thành và sinh sản các tế bào hồng cầu, các mô mỡ trong cơ thể, giúp cho vết thương mau lành.
- Trái cây cung cấp vitamin A, C, E: Vitamin C được biết đến như một trong những hoạt chất có tác dụng cực kỳ hiệu quả với việc chữa lành vết thương. Hoạt chất này còn cần cho việc tái tạo collagen bên trong mô da.
- Tinh bột nguyên cám bổ sung vitamin cũng như các chất cần thiết giúp tái tạo tế bào mô mới và giúp cho vết thương cơ thể mau lành, đồng thời liên kết tốt với tế bào cũ.
- Thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt màu đỏ, bánh mì, hải sản, thịt gà, ngũ cốc. Kẽm là một trong những vi chất cần thiết cho quá trình hình thành tế bào mô mới.
- Các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ: Chất béo khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm giảm quá trình tốc độ chuyển hóa cũng như tái tạo tế bào mô. Vết khâu sẽ lâu lành và dễ bị nứt gây nên tình trạng nhiễm trùng, buốt rát và chảy dịch.
- Các loại thực phẩm cay nóng: Những loại thực phẩm này có thể gây ra cho sản phụ cảm giác đau rát và sưng đỏ ở vết khâu.
- Thực phẩm có cấu trúc quá cứng có thể khiến cho cơ thể khó tiêu hóa và tăng nguy cơ gây táo bón. Vì vậy ảnh hưởng đến việc đi đại tiện khó khăn và có thể làm rách vết khâu tầng sinh môn.
- Kiêng rượu bia và các chất kích thích: Những loại thực phẩm này ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch cũng như dễ làm vết mổ tầng sinh môn bị viêm nhiễm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn