"Tình hình dịch bệnh căng thẳng quá, năm nay 3 mẹ con tôi quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết. Mặc dù rất nhớ gia đình nhưng vì sự an toàn của cộng đồng. Ai ở đâu thì hãy ở yên ở đấy. Chứ về tầm này tiềm ẩn nguy cơ rất cao", đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Thúy Diễn (48 tuổi, quê Tuyên Quang) với PV Báo PNVN.
Chị Diễn cho biết, hàng ngày chị đều cập nhật tin tức trên các kênh thông tin. Chị biết được tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội đang ở mức "báo động đỏ". Chính vì thế, chị Diễn cùng 2 người con trai năm nay quyết định không về quê đón Tết vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.
Tháng 11/2020, chị Diễn cùng 2 người con thuê nhà ở làng Phú Đô, phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để mở cửa hàng bán cơm, bánh cuốn. Cũng kể từ đó, 3 mẹ con chị chưa một lần về quê.
"Mùng 4 Tết là mừng thọ mẹ tôi 75 tuổi. Mấy hôm trước tôi gọi điện về cho mẹ bảo Tết này con không về đâu, đợi khi nào hết dịch thì sẽ về. Nghe xong mẹ tôi cũng buồn lắm vì Tết này không được sum vầy cùng con cháu. Nhưng mẹ tôi từng làm bác sĩ, bà hiểu tình cảnh dịch bệnh hiện nay đang khó lường nên cũng thông cảm", chị Diễn kể lại.
Chị Diễn tâm sự, chị từng bươn trải khắp nơi, nhiều năm không về quê đón Tết nhưng đây là lần đầu tiên các con chị phải xa quê mỗi khi Tết đến xuân về nên rất thương các con. Các con chị còn trẻ, Tết đến còn đi chơi, đi họp lớp…
Mấy ngày vừa qua, không đêm nào chị Diễn ngủ ngon vì thương các con. Nhưng chị Diễn không muốn để các con về quê. Chị chỉ động viên các con: "Tết năm nay không về thì sang năm về, không họp lớp năm nay thì sang năm họp. Bây giờ sức khỏe mới là quan trọng nhất".
"Đi xe khách về quê thời điểm này lo lắm. Trên xe bao nhiêu là người, biết ai bệnh tình thế nào. Vì cái bệnh này mình không nhìn thấy bằng mắt được, tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Kể cả là nếu có thuê xe riêng để về thì cũng tiềm ẩn nguy cơ. Vì mình có biết đâu được là trước đó họ từng chở những ai…", chị Diễn nói.
Chị Diễn chia sẻ lý do không về quê.
Mấy ngày trước, nhận điện thoại thông báo của chị Diễn là không về quê đón Tết, mẹ chị Diễn cũng thông cảm, nhưng đến sáng nay thì bà chủ động gọi lại và động viên chị Diễn và 2 đứa cháu cố gắng thu xếp về quê sớm. Bà bảo "nếu thương mẹ thì các con về đi".
Nghe xong câu nói của mẹ, chị Diễn rơi nước mắt, thương và nhớ mẹ lắm. Nhưng vì tình cảnh dịch bệnh đang diễn biến khó lường, chị không thể "đánh liều" mà về quê tầm này.
Trường hợp của 3 mẹ con chị Diễn không về quê ăn Tết không phải là hiếm gặp tại đây. Nhiều khách hàng đến quán cũng hỏi Tết này chị Diễn có về quê không và nếu về thì… chúng em biết ăn Tết ở đâu.
Chị Diễn cho biết, 3 mẹ con chị sẽ tổ chức bán hàng xuyên Tết, đến 29/30 âm lịch thì sẽ gói thêm bánh chưng để bán, phục vụ những người không về quê ăn Tết, những người này chủ yếu có quê ở Hải Dương, Quảng Ninh…
"Kể từ đợt dịch bùng phát lại, mọi khách hàng đến quán ăn tôi đều nhắc nhở phải rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19. Thậm chí nhiều khách hàng không mang theo khẩu trang tôi còn cho miễn phí", chị Diễn nói.
Vừa ăn xong suất bánh cuốn ở quán chị Diễn, anh Nguyễn Đức Mạnh (31 tuổi, quê Chí Linh, Hải Dương) cho biết, nhiều đồng hương của anh cũng đang rất nôn nóng, có thể đường về quê ăn Tết rất xa. Nhưng dù tình hình thế nào cũng cần bình tĩnh. Sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng nhất.
"Mọi người quê Quảng Ninh, Hải Dương đang rất lo lắng về việc về quê ăn Tết. Nhưng bây giờ có lo lắng không thể giải quyết được gì. Mọi người nên bình tĩnh, cập nhật thông tin, chú ý nhất là tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh, dù là sẽ đón Tết ở đâu", anh Mạnh nói.
Anh Mạnh cho biết, anh làm nghề chạy xe Grab tại Hà Nội đã được 4 năm, năm nào cũng về quê đón Tết cùng gia đình, nhưng năm nay chắc phải ở lại Hà Nội ăn Tết.
"Vợ tôi mới sinh con được 2 ngày, dù rất muốn về để ngắm nhìn con, đón Tết cùng gia đình, nhưng chắc hụt rồi. Không ngờ dịch lại bùng phát nhanh đến thế. Thời điểm này mọi người ở đâu nên ở yên đó, để tình hình không bị xáo trộn. Không nên bằng mọi cách tìm đường về quê ăn Tết, có thể khiến việc chống dịch Covid-19 chung của cộng đồng bị ảnh hưởng", anh Mạnh nói.
Tết nguyên đán là dịp lễ quan trọng hướng về nguồn cội, hướng về đoàn viên. Đối với những người tha hương, Tết nguyên đán càng khiến họ khao khát được sum họp với gia đình. Vì vậy, tháng chạp luôn có những cuộc dịch chuyển rầm rộ nhất trong năm.
Nếu như những người ở nước ngoài đang gặp khó khăn để thực hiện ước mơ về quê ăn Tết, thì năm nay những người đang làm việc ở trong nước việc về quê đón Tết cũng không dễ dàng gì.
Chị Diễn chia sẻ, có thể không về quê ăn Tết, nhưng hãy giữ sức khỏe, hẹn ngày đoàn viên. Dù có thể xuân này con không về, dù có thể Tết này không đoàn viên với người thân ở quê, nhưng Tết vui hay buồn là do lòng người cảm nhận.
"Xa quê hương những ngày này thật sự là rất buồn, nhưng mọi người hãy tạm thời quên Tết đi. Chỉ khi nào đó mọi thứ thật bình ổn, dịch bệnh được kiểm soát thì lúc đó mới là Tết thật sự", chị Diễn nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn