pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mâm cỗ Tết ở một số vùng quê
Lưu giữ nét xưa
Là chị cả trong gia đình 3 thế hệ chung sống, mỗi dịp Tết cổ truyền, chị Ngọc Ý lại bận rộn với công việc chuẩn bị mâm cúng ông bà tổ tiên. Đã thành thông lệ, ngày Tết, đàn ông trong gia đình có nhiệm vụ trang trí bàn thờ tổ tiên, chưng mai, chưng mâm ngũ quả còn người phụ nữ thì cùng nhau dậy từ sớm để sơ chế và nấu nướng.
"Ngày Tết, trong nhà tôi bao giờ cũng có món thịt kho trứng và canh khổ qua độn thịt, ngoài việc để cúng thì còn dọn cho gia đình ăn và đãi khách. Ngày Tết, bà con hàng xóm hay đến chơi, ai cũng bận tiếp khách nên không thể xuống bếp, chuẩn bị sẵn những món để được 2-3 ngày như vậy sẽ dễ dàng mời khách", chị Ngọc Ý cho hay.
Chị Nguyễn Dịu Hiền (Gò Vấp, TPHCM), cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình chị thường về quê ở Đồng Tháp ăn Tết. Trong ký ức ngày Tết, chị nhớ nhất là được ngồi bên lò than nướng bánh bông lan. "Những chiếc bánh đầu tiên bao giờ cũng bị hư mất một góc nên con nít sẽ được ăn. Tôi rất thích cảm giác đó. Năm nào ăn Tết ở ngoại, tôi cũng cho con gái xem cách làm bánh truyền thống của gia đình. Đến nay, chị tôi vẫn giữ được nghề làm bánh bông lan, không chỉ phục vụ gia đình mà còn bán cho khách. Thời buổi bây giờ có rất nhiều loại bánh ngon trên thị trường nhưng chị tôi vẫn giữ được phong tục làm bánh ngày Tết để con cháu biết được nét văn hóa quê hương, cảm nhận được không khí ngày Tết sum vầy", chị Hiền chia sẻ.
"Xưa bày nay làm"
Nếu ở các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, nhiều người có xu hướng đi du lịch dịp Tết thì ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, người dân vẫn lựa chọn ăn Tết tại nhà. Việc gìn giữ văn hóa ngày Tết không thể thiếu vai trò của người phụ nữ, từ làm mâm cỗ đến thực hành những nghi lễ ngày Tết.
Vai trò gìn giữ nét truyền thống mâm cỗ ngày Tết của người phụ nữ nơi sông rạch, bưng biền được thấy rõ ngay trong cách đặt tên cho món chè nổi tiếng- chè bà ba. Theo lý giải của nhiều người dân, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhiều gia đình nấu chè bà ba để đưa ông Táo về trời. Món chè có tên gọi bà ba là chỉ chiếc áo bà ba của phụ nữ Nam bộ.
Cô Nguyễn Thị Năm (Bến Lức, Long An), chia sẻ: "Theo tục lệ ông bà để lại, cứ Tết đến là nấu chè bà ba. Một số vùng nấu chè trôi nước. Việc nấu nồi chè tượng trưng cho sum họp gia đình, thể hiện ngày Tết đầm ấm, ngọt ngào, hạnh phúc. Ngày nay, do công việc bận rộn nên ít người tự vào bếp nạo dừa, nhào bột nấu chè nhưng họ vẫn mua về để cúng. Dù tự nấu hay đặt mua thì vẫn chu đáo, phong tục vẫn được duy trì cho thế hệ sau làm theo".
Người phụ nữ miền Tây còn vun vén cho gia đình qua việc làm đầy lu nước, hũ gạo ngày Tết. Trước ngày 29, 30 Tết, các dì, các mẹ thường đổ đầy các lu, hũ chứa gạo, chứa nước để cầu mong một năm đủ đầy. Nhà cửa được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp. Trong ngày đón giao thừa, mọi người đều chuẩn bị một bộ quần áo mới, tắm rửa, gội đầu sạch sẽ, tiền để trong túi với hy vọng cả năm tiền đầy túi.
"Ở quê tôi có câu "xưa bày nay làm", nghĩa là ông bà ngày xưa bày như thế nào thì mình làm theo như vậy. Tôi cũng không biết phong tục làm đầy lu nước, hũ gạo có từ khi nào nhưng từ nhỏ tôi đã thấy mẹ làm như vậy mỗi khi sát Tết. Quê tôi hay có các lu nước để trữ nước mưa, bây giờ một số nhà thay bằng thùng nhựa xanh. Trước giao thừa bắt buộc phải bơm cho đầy thùng. Ngoài lu nước, mỗi gia đình đều lo chu đáo khâu bánh mứt, nhất là bánh ô, bánh tét, mứt dừa, mứt gừng, bánh phồng... đều là những thứ không thể thiếu trong mấy ngày này. Thời xưa, người phụ nữ trong gia đình tự làm còn bây giờ chỉ làm mấy món dễ làm như bánh tét với mứt dừa", chị Nguyễn Thị Hồng Ánh (xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), cho biết.
Đặc biệt, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong những ngày xuân về, Tết đến. Phụ nữ nơi đây đã "biến tấu" món ăn này thành nhiều loại, mỗi loại có một hương vị riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bánh tét miền Tây có nhiều loại như: Bánh tét nhân ngọt truyền thống, bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh tét Mật Cật, bánh tét chuối đậu mỡ...
Người miền Tây, có nghi lễ đón Tết không cầu kỳ nhưng vẫn thể hiện sự tươm tất, cầu toàn và mang nét dân dã, hồn hậu, mến khách.