Trong một tuyên bố mới, tòa án hiến pháp của Colombia đã ra phán quyết ủng hộ việc hợp pháp hóa việc phá thai cho đến khi thai được 24 tuần tuổi. Đây là quyết định theo sau các phán quyết ở Mexico và Argentina nhằm giảm thiểu rào cản đối với việc phá thai.
Trước đây, Colombia chỉ cho phép phá thai trong những trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ; dị tật thai nhi đe dọa tính mạng; hoặc khi việc mang thai là do cưỡng hiếp, loạn luân hoặc thụ tinh nhân tạo không theo đồng thuận.
Tuy nhiên, hôm thứ Hai (21/02), tòa án Colombia đã đưa ra phán quyết, những phụ nữ muốn phá thai trong 24 tuần đầu của thai kỳ sẽ không bị truy tố hình sự. Phá thai sau 24 tuần vẫn là bất hợp pháp, ngoại trừ các trường hợp được cho phép trên.
Erika Guevara-Rosas, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại khu vực châu Mỹ, cho biết: "Phán quyết này như đánh dấu một chiến thắng lịch sử của phong trào phụ nữ ở Colombia trong nhiều thập kỷ để công nhận quyền của họ. Phụ nữ, trẻ em gái và những người có khả năng sinh con là những người duy nhất nên đưa ra quyết định về cơ thể của mình. Hiện tại, thay vì trừng phạt, các nhà chức trách Colombia sẽ phải công nhận quyền tự quyết đối với cơ thể và kế hoạch cuộc sống của họ", Guevara-Rosas, nói.
Từ năm 2006, phụ nữ phá thai ngoài những trường hợp được cho phép có thể phải đối mặt với án tù lên đến 54 tháng, theo bộ luật hình sự Colombia. Hàng trăm phụ nữ ở Colombia bị điều tra vì tội phá thai bất hợp pháp mỗi năm. Một số người phá thai bí mật, một phương thức phổ biến và thường không an toàn.
Các nhóm bảo vệ quyền sinh sản ước tính có khoảng 400.000 ca phá thai được thực hiện mỗi năm ở Colombia, và chỉ 10% là hợp pháp. Trong năm 2020, ít nhất 26.223 ca phá thai không an toàn đã được thực hiện trên khắp Colombia, theo Profamilia - một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản địa phương. Theo Causa Justa, một liên minh vì quyền phụ nữ Colombia, ít nhất 350 phụ nữ đã bị kết án hoặc xử phạt vì phá thai từ năm 2006 đến giữa năm 2019, trong đó có ít nhất 20 người dưới 18 tuổi.
Paula Avila-Guillen, một luật sư nhân quyền quốc tế và giám đốc điều hành của Trung tâm Bình đẳng Phụ nữ có trụ sở tại New York, nói: "Chúng tôi hoan nghênh sự can đảm về pháp lý và chính trị của tòa án hiến pháp trong việc công nhận phụ nữ và trẻ em gái không phải là những người yếu thế trong xã hội. Tòa án đang thay đổi cuộc sống của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương bởi các hạn chế phá thai để bảo vệ quyền tự chủ của phụ nữ đối với cơ thể và cuộc sống của chính mình".
Avila-Guillen cho biết: "Chúng ta đánh dấu phong trào Làn Sóng Xanh (các nhóm bảo vệ quyền phá thai) của Colombia khi đất nước này trở thành quốc gia Mỹ Latinh thứ ba hợp pháp hóa phá thai trong vòng hai năm qua. Chúng tôi biết điều này sẽ có tác động rộng rãi đến các quốc gia khác ở Mỹ Latinh, những quốc gia vẫn chưa thực hiện điều này này đối với nhân quyền và công bằng xã hội".
Ở Mỹ Latinh, nơi nhà thờ Công giáo vẫn có ảnh hưởng lớn, xã hội từ lâu đã thù địch với phụ nữ tìm cách phá thai. Tuy nhiên, hai phán quyết mang tính bước ngoặt ở Argentina và Mexico đang cho thấy nhiều thay đổi tích cực trong khu vực.
Tháng 9/2021, Tòa án Tối cao Mexico đã nhất trí ra phán quyết rằng việc chống phá thai là vi hiến, một quyết định được cho là sẽ tạo tiền lệ cho tình trạng hợp pháp hoạt động phá thai trên toàn quốc. Tháng 12/2020, Thượng viện Argentina đã bỏ phiếu, tán thành việc hợp pháp hóa việc phá thai đến 14 tuần tuổi, đưa quốc gia này trở thành quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latinh hợp pháp hóa hoạt động phá thai vào thời điểm đó.
Những quốc gia nơi phá thai là hợp pháp thường trở thành điểm đến của những phụ nữ tìm kiếm sự chăm sóc họ không thể nhận được ở quê nhà. Theo Trung tâm Quyền sinh sản, Cuba, Uruguay, Guiana thuộc Pháp và Guyana, cũng cho phép phá thai lựa chọn.
Brazil, quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latinh, chỉ cho phép phá thai nếu tính mạng của người mẹ gặp rủi ro hoặc khi việc mang thai là do hiếp dâm. El Salvador, Cộng hòa Dominica, Haiti, Honduras, Nicaragua và Suriname cấm phá thai trong hầu hết mọi trường hợp. Ở Costa Rica và Guatemala, phá thai chỉ được phép nếu để đảm bảo sức khỏe của một người hoặc giúp cứu sống họ. Ở Panama, thủ tục phá thai chỉ được phép để bảo vệ sức khỏe hoặc tính mạng của người mẹ trong trường hợp bị hiếp dâm, hoặc dị tật thai nhi. Tuần trước, Quốc hội Ecuador đã thông qua dự luật cho phép nạo phá thai nếu trường hợp mang thai là do bị cưỡng hiếp, mang thai đến 12 tuần đối với phụ nữ ở khu vực thành thị và đến 16 tuần đối với trẻ vị thành niên và người trưởng thành ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, dự luật vẫn cần được Tổng thống Ecuador ký.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn