Cô bé kể, mấy hôm trước, em đã nói dối bố là điểm thi Toán được 7 để "làm vui lòng" bố. Thế nhưng, hôm nay, bố vừa gọi điện cho em và nói một câu "lạnh tanh": Tại sao điểm thi Toán lại thấp thế, mà còn nói dối bố. Lát về, bố xử lý!
Bố chỉ nói đến đấy rồi dập máy, nhưng em thì run lẩy bẩy, sợ hãi. Bởi, em quá hiểu tính bố. Đây không phải là lần đầu bố nói "Lát về bố xử lý". Những lần trước, em đều ăn no đòn. Chỉ cần điểm thi kém, chỉ cần cô giáo phản ảnh ở lớp không tập trung học, bố sẽ không kiềm chế được cảm xúc mà "đánh em tơi bời".
Em kể, có những lần bố đánh lằn, sưng, thậm chí tóe máu mông. Thế nên, chỉ nghĩ đến việc bị bố đánh là em đã rất lo sợ.
Cô giáo phải phân tích cho em hậu quả của việc chạy trốn, rằng có rất nhiều nguy hiểm ở bên ngoài, rằng em sẽ không có gì ăn, không có chỗ ngủ trong đêm khuya lạnh giá, rằng em có nguy cơ bị bắt bóc, bị xâm hại tình dục... Vậy mà, em vẫn ám ảnh việc bị bố đánh và không biết làm thế nào. Cô giáo phải hứa với em rằng sẽ nói chuyện với bố để em không bị đánh, lúc đấy em mới tạm bình tĩnh và đồng ý không bỏ nhà đi nữa.
Trường hợp bố mẹ đánh con khi biết con bị điểm thi kém không phải là hiếm. Giống như phụ huynh của nữ sinh trên, nhiều bố mẹ chỉ biết chửi bới, đánh đập con để hả cơn tức giận. Họ không thể chấp nhận được việc con không đạt kỳ vọng như họ muốn, con không bằng bạn, nọ bạn kia.
Cũng chỉ vì bị bố đánh do bị điểm kém mà một bé trai lớp 6 đang phải điều trị bệnh trầm cảm. Khi biết con bị điểm thi Toán và tiếng Anh giữa kỳ chỉ được 6,5, người bố đã đánh con không khác gì thời Trung cổ.
Người bố này cho rằng, mình đã không tiếc tiền mời giáo viên giỏi về kèm riêng con học Toán, cho con học trung tâm tiếng Anh có tiếng, vậy mà điểm thi của con lại thấp, lại đáng thất vọng như vậy. Như lên "cơn điên", người bố này đã lấy dây thắt lưng da đánh con tới tấp vào chân tay, lưng, mông con.
Sau trận đánh của bố, cậu bé đã gọi điện cho mẹ cầu cứu: Mẹ về cứu con ngay, con bị bố đánh sắp chết rồi. Nhìn thấy con lằn những vết thâm tím khắp người, tinh thần hoảng loạn, người mẹ này đã vô cùng xót xa, sợ hãi.
Những ngày hôm sau con đi học, cô giáo đã gọi điện phản ánh con có nhiều khác thường, con không tập trung học mà thường xuyên bị giật mình, lo sợ. Người mẹ đã cho con đi khám bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương và được kết luận là con bị trầm cảm, cần cách ly người bố. Suốt một tháng nay, cậu bé đã nghỉ học và đang phải điều trị tâm lý.
Họp phụ huynh học kỳ I xong, nhiều bố mẹ cảm thấy "tăng xông" khi con có kết quả kém, con là học sinh cá biệt, con ở nhóm cuối, thậm chí con không thuộc top đầu của lớp... Có vô vàn thứ để bố mẹ kỳ vọng vào con, bố mẹ so sánh với "con nhà người ta". Những đứa con lại phải hứng chịu cả bạo lực tinh thần, thể chất từ bố mẹ.
Điểm thi, kết quả học tập từ buổi họp phụ huynh không phải để bố mẹ xả cơn tức giận của mình lên con mà là để bố mẹ biết con mình đang ở đâu, con có những hạn chế, thiếu sót gì để bố mẹ đồng hành cùng con trong giai đoạn tiếp theo. Quan trọng nhất, bố mẹ chỉ cần nhìn thấy con tiến bộ so với chính mình chứ không nên so sánh với các bạn xung quanh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn