"Nhìn các em tiến bộ mà tôi vui như thấy con mình trưởng thành"

18:26 | 16/12/2021;
Đó là lời tâm sự của chị Lê Thị Ngà, Phó Ban bảo vệ dân phố phường Cầu Kho (quận 1, TPHCM). Chị được nhiều người biết đến là mẹ thứ 2 của nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, trẻ có cha mẹ đang phải lĩnh án tù vì buôn bán ma túy.

Nhiều năm làm công tác xã hội, chị Lê Thị Ngà đã đảm nhận nhiều vị trí từ Hội LHPN phường, Tổ Công tác xã hội tình nguyện, Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, Tổ tự quản xóa đói giảm nghèo, Phó Ban bảo vệ dân phố phường… Đặc biệt, chị còn là mẹ thứ 2 của 40 em trong đội bảo vệ Kim Đồng.

Chị Ngà kể lại, Phường Cầu Kho trước đây vốn là điểm nóng của TPHCM về nạn buôn bán ma túy. Năm 2007, chị Ngà thấy trong xóm có nhiều em nhỏ lang thang, lêu lổng, không ai dạy dỗ do cha mẹ đang phải lĩnh án tù vì buôn bán ma túy, hay cha mẹ đi cai nghiện tâp trung. Vậy nên, chị tập hợp các em nhỏ lại và lập ra đội bảo vệ Kim Đồng.

"Khi xưa tụi nhỏ phá phách lắm, đi đốt lửa, gây rối, gây ồn ào nên người dân phản ánh suốt. Nhiều con còn sa ngã đi theo vết xe đổ của cha mẹ. Nghĩ cũng thương bởi vì các em sinh ra trong hoàn cảnh gia đình như vậy, ba mẹ không làm gương nên các em cũng sinh hư, lêu lổng. Ba mẹ người đi buôn bán ma túy, đi tù, người đi cai nghiện thì nhiều em ở nhà không có sự quản lý nên quậy phá là chuyện dễ hiểu. Tôi đi tập hợp, gom các em về một nhóm để mình hướng dẫn ăn nói đường hoàng, không nói bậy, chửi thề. Tôi cho các em tham gia văn nghệ, thể thao, dọn vệ sinh, làm cho các em bận rộn để không có thời gian đi làm việc xấu. Nhiều khi tôi còn dẫn các em lớn đi tuần tra, để các em góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự khu phố. Qua đó, các em ý thức được việc làm tốt là gì và thấy được giá trị của bản thân. Nhóm ban đầu chỉ có 8 em, đến nay đã 40 em, có khi tới 50 em. Trong nhóm có nhiều em là con em của các gia đình bình thường, vì thấy nhóm sinh hoạt vui nên cũng xin vào luôn. Vậy nên nhiều lúc số lượng rất đông", chị Ngà kể lại.

Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý đội bảo vệ Kim Đồng, chị Ngà cho biết: "Tôi đến với các em đầu tiên là bằng tình yêu thương, bằng tấm lòng. Mình quan tâm các em thực sự thì dần dần các em cũng mềm lòng và nghe theo lời khuyên bảo của mình. Thứ 2, mình phải tôn trọng các em. Đừng nghĩ trẻ em không biết gì mà thực ra biết rất nhiều. Thứ 3, những trường hợp khó tiếp cận, khó uốn nắn thì tôi phối hợp với công an. Công an giống như người làm cha, còn mình là người làm mẹ để quản lý trẻ không rơi vào con đường ma túy. Một bên thì răn đe, cứng rắn, bên thì mềm mỏng khuyên răn. Đội bảo vệ Kim Đồng là các em có độ tuổi từ 6-17 tuổi. Việc tiếp cận, dạy dỗ rất là khó. Ví dụ ở trường lớp thì các em có chung một độ tuổi, tâm sinh lý tương đồng nên giáo viên dễ nắm bắt, quản lý hơn. Còn nhóm Kim Đồng độ tuổi rất khác nhau, mỗi em mỗi tính cách khác nhau. Để các em có tiếng nói chung là cả một quá trình dài".

“Công an là cha, tôi là mẹ quản lý trẻ không rơi vào con đường ma túy” - Ảnh 2.

Chị Ngà cùng 2 con của mình. Ảnh: NVCC.

Từ ngày đội bảo vệ Kim Đồng ra đời, các em nhỏ ở phường Cầu Kho có nơi sinh hoạt lành mạnh, biết học cách tránh xa những tệ nạn xã hội, biết quan tâm, bảo vệ lẫn nhau khỏi người xấu. "Bây giờ dịch bệnh nên hạn chế sinh hoạt chứ lúc trước mỗi tuần sinh hoạt một lần. Ngoài ra, ở trụ sở của khu phố có phòng dành cho các em, em nào thích thì ra đó đọc sách, tập văn nghệ hay chỉ nhau học bài đều được. Khi thành lập nhóm này thì các em tự kết bạn, giám sát lẫn nhau. Các em cũng là tai mắt cho chúng tôi để tố giác tội phạm, báo cáo các hành vi nghi ngờ về buôn bán ma túy, tội phạm. Các em đã góp phần rất lớn vào công việc bảo vệ an ninh trật tự tại phường, khu phố. Đoàn phường, đoàn khu phố quan tâm đến đội Kim Đồng nhiều lắm, hay cho học bổng, rồi tổ chức Trung thu, tổ chức văn nghệ, tìm hiểu an toàn giao thông. Đến nay, nhiều em trưởng thành và có công việc ổn định rồi. Nhìn các em tiến bộ mà lòng tôi vui như thấy chính con mình trưởng thành vậy đó", chị Ngà bộc bạch.

Để giúp các em có được con đường đi vững chắc, chị Ngà tìm cách phối hợp với địa phương xin học bổng, cậy nhờ giới thiệu cho các em học hết phổ thông hoặc đi học nghề phù hợp. Có em làm phục vụ, có em làm nhà hàng, cũng có em là ca sĩ. Điển hình như em đội trưởng, sau khi đi bộ đội về bây giờ học trường thanh nhạc để làm ca sĩ.

Không chỉ nâng đỡ các em nhỏ, chị Ngà còn cảm hóa cả những người phụ nữ buôn bán ma túy, giúp họ từ bỏ con đường xấu để về với cuộc sống có ý nghĩa bằng tất cả sự chân thành, gần gũi và một niềm tin vững chắc.

Giờ đây, với chị Ngà, món quà cuộc đời lớn nhất ngoài 2 cô con gái đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định thì còn có nụ cười, sự chín chắn, trưởng thành của các em nhỏ trong đội bảo vệ Kim Đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn