Tim bẩm sinh là một trong những bệnh phổ biến trong nhóm dị tật bẩm sinh ở trẻ em với tỷ lệ khoảng 8-10/1.000 trẻ chào đời. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 1,5 triệu trẻ được sinh ra, tương đương khoảng 12.000-15.000 trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh.
Dù có những tiến bộ đáng kể trong điều trị phẫu thuật, can thiệp tim mạch nhưng bệnh tim bẩm sinh vẫn để lại gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, công tác chẩn đoán và xử trí bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim cấu trúc từ bào thai và ngay sau sinh sẽ giúp phối hợp điều trị hiệu quả, tăng cơ hội sống cho trẻ.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết, những năm gần đây, chương trình sàng lọc trước và sau sinh đã được triển khai. Tuy nhiên do sự hạn chế về trang thiết bị, kỹ thuật, kỹ năng và kinh nghiệm trong chẩn đoán… nên vẫn còn nhiều trường hợp bệnh tim bẩm sinh bị bỏ sót trong thai kỳ, cũng như sau sinh. Trong khi đó, khoảng 10%-15% trẻ sơ sinh dị tật tim bẩm sinh nặng cần phẫu thuật, can thiệp qua ống thông hoặc điều trị thuốc ở bệnh viện trong tháng đầu đời.
Theo chuyên gia, bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý khó khăn, phức tạp hàng đầu về chẩn đoán. Do đó, việc tích hợp số lượng lớn các hình ảnh, thông tin chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng với tốc độ nhanh chóng và độ chính xác cao sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng đưa ra các chẩn đoán và hướng điều trị chính xác, hiệu quả hơn. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp nâng cao kỹ năng và năng suất của nhân viên y tế, mang lại cơ hội được khám, chữa bệnh hiệu quả, nhanh và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
"Việc phối hợp đa chuyên khoa Sản - Tim mạch tầm soát phát hiện sớm bằng công nghệ AI hiện đại, theo dõi chặt chẽ từ trong bào thai sẽ giúp các bác sĩ chủ động xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị tích cực cho trẻ ngay sau sinh, tăng cơ hội sống cho trẻ bệnh tim bẩm sinh", bác sĩ Vinh nhấn mạnh.
BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết, tim mạch học bào thai, đặc biệt là siêu âm tim thai chẩn đoán là lĩnh vực khá mới mẻ và thu hút nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây.
"Thông qua hội nghị lần này, chúng tôi mong muốn chia sẻ, lan tỏa những kiến thức cập nhật nhất, những kỹ thuật siêu âm chẩn đoán tiên tiến nhất và những kinh nghiệm đúc kết được từ các chuyên gia hàng đầu đến những đồng nghiệp trong ngành để cùng nhau nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch tại Việt Nam, giảm tỷ lệ tử vong, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh", bác sĩ Phúc chia sẻ.
Hội nghị Tim mạch "Cập nhật về xử trí bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim cấu trúc: Từ thai nhi đến người trưởng thành" diễn ra trong 3 ngày liên tiếp (13-15/10). Đây được xem là diễn đàn y tế quy mô lớn chuyên về siêu âm tim từ bào thai, sau sinh cho đến khi trưởng thành.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn