Cụ thể hoá nhiều nội dung để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng

14:57 | 07/09/2022;
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngày 7/9, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Uỷ ban Pháp luật cho biết, với "nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát" được chỉnh lý để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, người dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà Nhân dân đã bàn, quyết định và thực hiện giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Điều 30), của người đứng đầu, ban lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị (Điều 56) và của tổ chức có sử dụng lao động, người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành và những người có thẩm quyền khác của tổ chức có sử dụng lao động (Điều 75).

Công dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động,… hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (như đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân), qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở (các điều 31, 57 và 76).

Thảo luận nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu và cụ thể hóa nhiều nội dung để tường minh phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng", trong đó có hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, quy định tại Điều 43, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung. Cụ thể, tại điểm a, khoản 1 như dự thảo là chưa phù hợp với thẩm quyền, có thể dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Vì khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư, các Ban của Hội đồng nhân dân phải tiến hành kiểm tra và hoàn thiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân đã có cử tri, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cơ quan nhà nước.

Cụ thể hóa nhiều nội dung để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, thảo luận tại Hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cũng đề nghị cần quan tâm đến tính tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để tránh trùng lắp; đồng thời rà soát, sắp xếp lại về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức hoạt động, tránh cộng dồn hay là ghép cơ học vào dự án Luật.

Với Ban Thanh tra Nhân dân cần quy định cụ thể việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi để xảy ra chậm trễ hoặc không tiếp thu, xem xét trả lời kiến nghị của Ban Thanh tra Nhân dân đúng thời hạn.

Đối với Ban Giám sát đầu tư cộng đồng cần tiếp tục có sự nghiên cứu bổ sung đánh giá hoạt động của Ban này và quy định thống nhất ở cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai về kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với người đứng đầu chính quyền địa phương định kỳ hàng năm để Nhân dân biết và giám sát. Đại biểu làm rõ, căn cứ vào trách nhiệm, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực, trình độ, biên chế của cán bộ và đặc thù của vùng miền thì hình thức công khai thông tin được triển khai ở các mức độ khác nhau, dẫn đến việc tiếp cận thông tin của Nhân dân thì còn khó khăn và chưa có hệ thống kịp thời.

Do đó, việc quy định một hoặc một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện, dễ dàng là cần thiết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn