Tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hải Yến
31/05/2022 - 19:22
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương thực hiện dân chủ ở cơ sở

Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tại phiên họp tổ chiều 31/5, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã góp ý cho Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thể chế hóa cơ chế làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Theo đó, Chủ tịch Hà Thị Nga cho rằng, cần phải thể chế hóa cơ chế làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội vào các quy định cụ thể. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung và làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như cơ chế bảo đảm để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò làm nòng cốt, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về nội dung giám sát và góp ý, đối thoại với chính quyền địa phương, đề nghị thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng tại hai Quyết định của Bộ Chính trị: Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội"; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền".

Về hình thức tham gia ý kiến tại cơ quan, đơn vị, đối với dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, vai trò của công đoàn, đoàn thanh niên rất quan trọng. Vì vậy, đề nghị bổ sung hình thức cán bộ công chức, người lao động tham gia ý kiến tại cơ quan, đơn vị thông qua 2 tổ chức này; Bổ sung hình thức đối thoại 1 năm 1 lần theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền".

Tiếp tục phát huy quyền thực hiện dân chủ là quyền của mọi công dân, các quy định pháp luật về dân chủ cơ sở không có sự phân biệt về giới.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc thiểu số khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định Luật Tiếp cận thông tin

Bình đẳng giới trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Chủ tịch Hà Thị Nga nêu, vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện ở các khía cạnh: (1) Việc tiếp cận thông tin và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông giữa nam giới và nữ giới là rất khác nhau. Phụ nữ sử dụng công nghệ thông tin ít hơn nam giới, việc tiếp cận thông tin về kế hoạch, chương trình, công trình, dự án… của địa phương ít hơn nam giới, nhất là nhóm đối tượng phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (2) Nhiều phụ nữ còn thiếu tự tin, thiếu hiểu biết về các quyền dân chủ, về cơ chế thực hiện dân chủ nên chưa chủ động, tích cực tham gia vào quá trình này; (3) Quá trình tham gia, bàn bạc, ra quyết định của công dân nam và nữ về các vấn đề của địa phương cũng khác nhau về cơ hội, điều kiện. Điều này có thể làm hạn chế quyền của nữ giới trong việc tham gia ý kiến, thảo luận, quyết định các vấn đề của cộng đồng, dân cư, nhất là trong trường hợp tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc xác định nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi thực hiện dân chủ ở cơ sở: người khuyết tật, người cao tuổi và những đối tượng đặc thù khác. Với việc cân nhắc này thì quy định liên quan đến các hình thức công khai thông tin cũng cần phải tính đến những nhóm đối tượng đặc thù, đảm bảo tiếp cận được các thông tin.

Để xóa bỏ khoảng cách giới liên quan đến tiếng nói và quyền làm chủ của phụ nữ, cần tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận thông tin cho phụ nữ. Chính vì vậy, Nhà nước cần có các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, trong đó có phụ nữ, nhất là phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định Luật Tiếp cận thông tin.

Về các hình thức công khai thông tin, đề nghị việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, điều kiện khu vực, vùng, miền; cần đảm bảo việc đa dạng các hình thức công khai thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời: Bổ sung việc cung cấp thông tin cho đoàn viên, hội viên, trong đó có hội viên phụ nữ thông qua tổ chức chính trị - xã hội, qua sinh hoạt Hội, sinh hoạt các tổ, nhóm, CLB. Việc cung cấp thông tin qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giúp tăng cơ hội làm chủ cho đoàn viên, hội viên phụ nữ, tạo điều kiện và môi trường cho phụ nữ được tự do chia sẻ quan điểm, trao đổi thông tin và nâng cao kỹ năng trong giải quyết vấn đề chung, lên tiếng và bày tỏ quan điểm của bản thân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm