Đại biểu Quốc hội: Quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú!

H.Y
30/05/2022 - 18:45
Đại biểu Quốc hội: Quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú!

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Trong các văn bản quy phạm pháp luật về lập quy hoạch đều yêu cầu cơ quan lập quy hoạch phải tiếp thu, giải trình ý kiến của người dân. Vậy, thực tế, người dân được tham gia các vấn đề liên quan đến quy hoạch đến đâu hay chỉ mang tính hình thức?

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, ngày 30/5, Quốc hội dành trọn ngày để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Tại hội trường, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã dẫn kết quả phân tích số liệu điều tra của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy, còn quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú.

Cụ thể, trong 8 chỉ số khảo sát thì sự tham gia của người dân ở các cơ sở thuộc nhóm 2 chỉ số có điểm đánh giá thấp nhất. Ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, kết quả khảo sát cho thấy còn quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú (nơi cao nhất chỉ có 20% người được hỏi biết đến thông tin quy hoạch). Tỷ lệ người dân có dịp tham gia góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ cư trú năm cao nhất cũng chỉ có 7%, năm thấp nhất tỷ lệ này là 2,8%.

Nữ đại biểu này đặt câu hỏi: "Các văn bản quy phạm pháp luật về lập quy hoạch đều yêu cầu phải tiếp thu, giải trình ý kiến của người dân. Nhưng thực tế thì người dân đã được tham gia đóng góp ý kiến đến đâu hay chỉ mang tính hình thức?".

"Bản quy hoạch tốt nhất là bản quy hoạch thể hiện được sự mong muốn của người dân. Một bản quy hoạch có tính linh hoạt, đáp ứng được những yêu cầu mà người dân cho là cần thiết" - bà Tú Anh nhấn mạnh và cho rằng, để việc lấy ý kiến người dân được tốt hơn, chính quyền các cấp, đội ngũ công chức cần thực sự coi phục vụ người dân là mục tiêu chính.

Đại biểu đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong lập quy hoạch không chỉ làm theo đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin, lấy ý kiến người dân mà còn tùy vào tình hình, đặc điểm phân bố dân cư để có biện pháp đưa thông tin tới người dân một cách phù hợp nhất, việc lấy ý kiến một nội dung cần thực hiện theo nhiều hình thức phù hợp với các nhóm dân cư.

"Sự tham gia của cộng đồng vào công tác quy hoạch là điều rất cần thiết, góp phần vào sự thay đổi của xã hội theo hướng công bằng, dân chủ và bền vững" - bà Tú Anh nói thêm.

Thiếu đồng bộ giữa các Luật

Đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn ĐBQH TP.HCM nêu một số vấn đề được tổng hợp từ công tác giám sát quy hoạch và kiến nghị của cử tri tại địa phương cho biết hiện nay trong công tác quy hoạch, bên cạnh việc áp dụng Luật Quy hoạch, còn phải tuân thủ các quy định của luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị.

"Tuy nhiên, giữa các luật này còn có các quy định chưa đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ cần rà soát để bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan đến công tác quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi", Đại biểu Thắng cho hay.

Ông Thắng kiến nghị cần có quy định đồng bộ các khái niệm về chức năng đất được quy hoạch giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và kế hoạch sử dụng đất để đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm đối với các tiêu chí sử dụng đất được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.

Để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực có quy hoạch, ông Thắng kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách phù hợp về nhà, về đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch theo hướng tạo sự công bằng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi hợp pháp của người dân, hạn chế điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ án quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội: Dân được tham gia quy hoạch đến đâu hay chỉ là hình thức? - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn ĐBQH TP.HCM

Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thu hút nhiều nguồn đầu tư để đầu tư nhanh vào những khu vực quy hoạch chức năng công cộng như công viên, trường học, bệnh viện để quy hoạch sớm được thực thi, tạo thêm nhiều thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn và sớm ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực có quy hoạch các công trình công cộng nêu trên.

Tăng cường trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Thêm vào đó, đại biểu đề nghị Chính phủ thống nhất phạm vi, đối tượng quy hoạch ngành quốc gia theo hướng quy hoạch ngành quốc gia chỉ lập quy hoạch mạng lưới quy hoạch cơ sở thuộc ngành mình quản lý, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, phân cấp cho các tỉnh để lập các quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, tạo sự chủ động trong bố trí không gian lập quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội: Dân được tham gia quy hoạch đến đâu hay chỉ là hình thức? - Ảnh 2.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Ngoài ra, đại biểu đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, khu dân cư đô thị, nông thôn, hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa, cơ sở bảo trợ xã hội… đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh.

Cần sớm có ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung ương sớm xem xét, cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sơ kết các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, giải quyết những vấn đề cụ thể, sớm giải quyết các quyết định của Bộ Công Thương về phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để có cơ sở phê duyệt, triển khai đề án, có định hướng cho tỉnh Ninh Thuận kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Đại biểu Quốc hội: Dân được tham gia quy hoạch đến đâu hay chỉ là hình thức? - Ảnh 3.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm