Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ là 3 vị thần phụ trách phần Bếp núc, trông coi Nhà cửa, và phụ trách phần Chợ búa, được phái xuống hạ giới để theo dõi những việc làm thiện - ác của loài người. Các vị thần này thường được gọi nôm na là Táo quân hoặc ông Táo.
Ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch hàng năm), các Táo quân cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo các công việc trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người (theo văn hóa Á Đông). Cúng tiễn ông Công ông Táo về trời là phong tục truyền thống, không thể thiếu của các gia đình.
Hiện nay, đang có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về cách cúng ông Công ông Táo. Có nơi thực hiện nghi lễ và mâm cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ông Thổ địa và ông Táo là hai vị thần khác nhau. Ông Táo là thần cai quản bếp núc trong mỗi gia đình. Vì vậy, trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp để giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình sung túc, thuận hòa. Còn ông Thổ địa được cúng trên bàn thờ gia tiên.
Dành nhiều thời gian tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cho cuốn sách Hủ tục – Mỹ tục, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường (Hà Nội) chia sẻ: Tục thờ cúng Tổ tiên có từ khởi thủy và biến thiên theo thời gian, phong tục Bắc – Nam cũng khác, mỗi nhà mỗi cảnh.
Nhà thì có một bàn thờ chung, gộp cả Bụt (Phật), thánh thần, quan thần linh Táo quân, thổ địa, gia tiên vào chung một lư hương to. Nhà thì có tới 3 lư hương, được bài trí ngang hàng, bên trái (từ ngoài nhìn vào) là lư hương thờ ông hoàng, ông mãnh, bà Tổ cô, bên phải thờ gia tiên nhiều đời, lư ở giữa thờ công đồng các vị thần linh, thổ công thổ địa. Nhà thì rạch ròi phải có đủ 3 bàn thờ: Một bàn thờ Bụt, một bàn thờ gia tiên, một bàn thờ thần tài để riêng, gần cửa để đón phúc – lộc – thọ vô nhà.
Chuyện đúng sai miễn bàn vì người Việt thờ đa thần.
Tùy theo tâm thức mỗi người, tùy gia cảnh và tâm lý đám đông nên cũng có sự khác biệt ít nhiều, nhưng việc thờ cúng luôn được chú trọng để tâm hàng đầu.
Ngày 23 tháng Chạp hay ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày cúng gia tiên nhân dịp cuối năm, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết và mở đầu cho hàng loạt các nghi lễ trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt.
Sau khi tiễn đưa ông Táo về giời, mọi người thường bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ thờ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh dân gian, câu đối, cắm hoa… chuẩn bị nghênh đón năm mới.
Điều cốt yếu là lòng thành kính hướng về tổ tiên, làm nhiều việc thiện tích công tích đức hàng ngày cho bản thân và những người xung quanh, trong đó có việc hồi hướng phước đức cho gia tiên tiền tổ nhà mình.
Trong nghi lễ cúng ông Công ông Táo thường có các hoạt động như thả cá chép phóng sinh, đốt vàng mã, sắm sửa đồ thờ cúng mới… Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường, cần thực hiện đúng, để những mỹ tục không trở thành hủ tục.
- Thả cá chép phóng sinh:
Phóng sinh là một biểu hiện của tấm lòng từ bi, của đức hiếu sinh, yêu thương mọi vạn loài chúng sinh và coi sự sống của muôn loài như sự sống của chính mình mà dân ta vẫn truyền tụng câu nói: "Thương người như thể thương thân"; "Cứu vật thì vật trả ân"... Chẳng phải cứ đến chùa làm việc Phật sự, thả chim, thả cá mới được công đức. Bất kỳ ở đâu, cứ hằng tâm, hằng sản, có đến đâu phát tâm đến đấy, của ít lòng nhiều thì đều được Bụt (Phật), Thánh và các vị thiện thần phù trợ và chứng minh công đức cả.
Bên cạnh đó, khi phóng sinh hay thả cá về với môi trường tự nhiên sau lễ cúng ông Công ông Táo, cần lưu ý không được thả cá bừa bãi, thả cả túi nilon xuống ao hồ, làm ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái.
- Cân nhắc khi đốt vàng mã:
Việc đốt vàng mã ngày ông Công ông Táo tuỳ thuộc vào sự ý thức, hiểu biết của từng người. Tuy nhiên, tránh việc quá lạm dụng mua sắm vàng mã, đốt vàng mã trong ngày tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Điều này không chỉ gây ra sự lãng phí mà còn ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn những nguy cơ gây cháy nổ trong dịp cuối năm.
- Dọn dẹp đồ thờ cúng, vàng mã sau khi đốt:
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình có cái lệ tân trang lại nhà cửa, mua sắm, thay mới đồ thờ cúng như bàn thờ treo trên tường, lư hương sành sứ, ấm chén cũ và hóa vàng mã để chuẩn bị cho một năm mới ấm cúng, khang trang tươm tất, cầu mong một mùa xuân và cả năm được an khang, thịnh vượng.
Nhu cầu thay mới đổi cũ không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ xa xưa. Những món đồ này được thả ra sông, ao, hồ, những chỗ có nước để hương linh, vong linh nhà mình được mát mẻ.
Tuy nhiên, không nên chạy theo phong trào, bỏ đồ thờ cúng cũ xuống ao hồ, sông ngòi… Giải pháp này chỉ để thỏa mãn lòng tự lợi, đặt lợi ích của bản thân mình lên trên hết mà quên đi yếu tố lợi tha, nghĩa là đặt lợi ích của môi trường, của cộng đồng người xung quanh mình lên trên. Quan trọng bậc nhất vẫn là cái Tâm của con cháu dành cho gia tiên tiền Tổ, không chuộng phần hình thức nhiêu khê, bày vẽ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn