'Đốt vàng mã càng nhiều càng có lộc là quan niệm không chính xác'

06/08/2019 - 11:31
Trong tháng 7 âm lịch, thói quen đốt vàng mã khiến nhiều người lo lắng các vụ hỏa hoạn cũng theo đó “đến hẹn lại lên”.
Những vụ hỏa hoạn do đốt vàng mã
 
Nhằm tỏ lòng thành kính tổ tiên, báo hiếu cha mẹ, từ mồng 1/7 âm lịch đến rằm tháng Bảy (Lễ xá tội vong nhân), nhiều người dân sắm sửa mũ áo, giày dép, tiền vàng mã... để cúng. Song, đây cũng chính là thời điểm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất cao, nhất là ở những đô thị đông đúc do người dân “hóa” vàng mã ngay trên vỉa hè, gần xe máy, trạm xăng, cột điện…
 
 
kieu-trang-1.jpg
Ảnh minh họa
 
 
Nhìn lại những vụ cháy do đốt vàng mã những năm gần đây trên khắp cả nước, nhiều người không khỏi lo lắng.
 
Ngày 15/9/2018, hàng nghìn cư dân sống tại chung cư Gold View (đường Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM) phải sơ tán khẩn cấp trong đêm vì có cháy tại một căn hộ. Được biết, một cư dân sống ở đó trong lúc đốt vàng mã ngoài hành lang đã để lửa bén sang nhiều tấm bìa carton bên cạnh khiến lửa bùng phát dữ dội.
 
 
kieu-trang-2.jpg
Đốt vàng mã vừa lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường 

 

Đối với những thành phố đông dân cư như Hà Nội và TPHCM, những vụ hỏa hoạn cháy lan sang nhiều tòa nhà, hộ dân xung quanh không phải là chuyện hiếm. Nhiều gia đình đã phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi hàng xóm vô ý đốt vàng mã rồi “bỏ quên”.
 
Còn ở các vùng ít dân cư hơn đốt vàng mã gây hỏa hoạn cũng gây thiệt hại không kém. Ngày 26/5/2014, một vụ cháy rừng lớn đã xảy ra tại huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định). Đám cháy đã thiêu rụi khoảng 50ha rừng. Nguyên nhân đám cháy xuất phát từ việc đốt vàng mã và tư trang cá nhân cho người quá cố. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội nhanh chóng lan rộng sang các khu vực rừng trên núi Bà Hỏa, uy hiếp hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi. Tổng giá trị thiệt hại tài sản của vụ cháy rừng lên đến trên 1 tỷ đồng. 
 
Một vụ cháy hi hữu nữa đã xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh do tàn lửa vàng mã phát tán vào khoảng 18h ngày 7/8/2016 của một gia đình gần trạm xăng, đúng lúc xe bồn đang bơm xăng xuống bể chứa. Vụ hỏa hoạn khiến cho xe bồn chở xăng bị cháy hỏng hoàn toàn, một phần cây xăng cũng bị cháy.
 
Nguy cơ vi phạm pháp luật
Nhiều nhà chùa vẫn luôn khuyến cáo các phật tử không đốt hương, vàng mã, tuy nhiên không phải ai cũng làm theo. Theo Ni sư Đàm Thuý - Chùa Bồ Đề, Long Biên (Hà Nội), từ lâu, trong chùa Bồ Đề không cho phật tử đốt hương hay vàng mã, chỉ là do phật tử đem đến dâng cúng. 
 
"Việc đốt hương, vàng mã mang ý nghĩa về mặt tâm linh, tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe cũng như nguy cơ cháy nổ. Cũng có người giác ngộ được nhưng có người thì không giác ngộ. Quan niệm đốt vàng mã càng nhiều càng có lộc là quan niệm hoàn toàn không chính xác", ni sư Đàm Thúy cho biết. 
 
 
67482511_502409147171199_831052734139465728_n.jpg
Luật sư Đặng Thành Chung (Công ty Luật An Ninh)

 

Việc đốt tiền giấy, vàng mã không chỉ là hành vi gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà còn có thể gây hỏa hoạn. 
 
Luật sư Đặng Thành Chung (Công ty Luật An Ninh) cho biết, tại Điều 180 Bộ luật Hình sự quy định Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản như sau:
 
1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
 
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
 
Điều 313 Bộ luật Hình sự quy định Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:
 
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
 
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
 
Tùy vào hành vi cụ thể mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh trên. Trong trường hợp chứng minh được hành vi đốt vàng mã vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và gây ra thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự. Ngược lại, nếu không chứng minh được hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì người đốt vàng mã gây thiệt hại về tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 180 Bộ luật Hình sự.   

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm